Mất cơ hội nếu chậm mở cửa nền kinh tế
Chứng khoán tuần 20-24/9: Thị trường có cơ hội lập lại đỉnh tháng 8 / Thừa Thiên Huế: Sản phẩm dịch vụ du lịch sẽ tham gia chương trình OCOP
Dù cố gắng duy trì hoạt động, song chi phí gia tăng đang là gánh nặng cực kỳ lớn với các doanh nghiệp (DN) trongthời gian qua. Ông Nguyễn Tiến Phát, Tổng giám đốc Công ty Datalogic cho hay, mới chỉ lên kế hoạch về một số chi phí để đối phó với dịch COVID-19 như test định kỳ cho nhân viên chứ không hề có các khoản phí khác như xây nhà ở tạm trú cho công nhân, thuê khách sạn, thuê xe... (đều là những khoản phí nằm ngoài kế hoạch) cũng đã khiến DN rất khó khăn.
Doanh nghiệp sốt ruột, nhà đầu tư cân nhắc
"Mọi kế hoạch, tính toán đều nằm ngoài dự toán của chúng tôi. Trong khi đó, kết quả kinh doanh năm nay có lẽ không đạt mục tiêu", ông Phát chia sẻ và mong muốn được khôi phục lại hoạt động sản xuất, nền kinh tế mở cửa trở lại.
Đã tới lúc Việt Nam cần tính tới chuyện mở cửa trở lại nền kinh tế. |
Trước những khó khăn trong việc duy trì sản xuất, mới đây, nhiều hiệp hội DN trong và ngoài nước đã gửi thư tới Chính phủ đề xuất các giải pháp phục hồi, mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo đó, 14 hiệp hội ngành hàng trong nước như Dệt may, Da giày - Túi xách... đề xuất Thủ tướng Chính phủ chiến lược 10 điểm phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới thống nhất quản lý trên toàn quốc để từng bước phục hồi kinh tế mà vẫn kiềm chế được dịch.
Trong đó, các hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị mới trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung hoặc sửa đổi Chỉ thị số 15, 16 phù hợp với mục tiêu mới sống chung với COVID-19 mà không làm quá tải hệ thống y tế. Không phong tỏa theo vùng rộng mà theo điểm dân cư nhỏ nhất có nguy cơ cao (xóm, tổ dân phố, ngõ phố, khu tập thể, phân xưởng, phòng ban).
Đáng chú ý, các hiệp hội DN cũng kiến nghị Chính phủ quán triệt các địa phương không cực đoan đóng cửa DN nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của một dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.
Trong khi đó, thư kiến nghị của 4 hiệp hội DN nước ngoài là EuroCham, AmCham, KoCham, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN gửi tới Chính phủ đề cập nhiều tới "cơ hội". Các cuộc khảo sát mà các hiệp hội DN nước ngoài đã thực hiện cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của họ đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, với nhiều cuộc thảo luận hơn đang được tiến hành. Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.
"Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Ngay cả các DN hiện tại cũng có hầu hết các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài", các hiệp hội DN nước ngoài kiến nghị.
Theo các DN nước ngoài, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ.
Đưa nền kinh tế trở lại "bình thường mới"
Hay những mong muốn của DN tưởng chừng rất đơn giản như "được nhìn thấy đoàn xe container rầm rộ lưu thông trên đường, chạy ra cảng biển rầm rập" của ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương. Theo ông, đó chính là hình ảnh cho thấy nền kinh tế đã trở lại bình thường, chứ không còn tê liệt.
Ông Minh mong muốn làm sao đừng đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa. Thời gian qua, văn bản chỉ đạo của Chính phủ thì đúng nhưng xuống tới các địa phương thì việc triển khai không đồng nhất. "Tại sao chúng ta lại cấm không cho xe container lưu thông sau 18 giờ hàng ngày, cũng như chi phí mà DN đang phải trả rất lớn để duy trì sản xuất theo yêu cầu 3 tại chỗ", ông nói.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, dịch COVID-19 đang khiến sản xuất kinh doanh sụt giảm, kể cả DN FDI lẫn DN trong nước. Các DN FDI là doanh nhân và DN, bao giờ họ cũng đặt lợi ích, lợi nhuận lên hàng đầu. Do vậy, Chính phủ cần làm lúc này là có lộ trình kịch bản về mở cửa phục hồi sản xuất kinh doanh để DN hiểu được.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải cam kết với DN là dù khó khăn, trong trước mắt, trung hạn, dài hạn vẫn phải là nước hội nhập mạnh mẽ, thực thi cam kết đầy đủ, gắn với cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế, đây là điều rất quan trọng. "Chính phủ phải luôn luôn chia sẻ, lắng nghe, giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh hằng ngày, hằng giờ cho DN", ông Thành nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, thời gian qua, các giải pháp hỗ trợ cho DN chưa thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ còn khoảng cách lớn giữa văn bản tới thực tế. Để tránh "hỗ trợ trên văn bản, trên ti vi", Chính phủ cần bám sát nỗi niềm, vấn đề trăn trở của DN để tháo gỡ những nút thắt của họ. Hỗ trợ phải đúng, trúng nhu cầu mà DN cần.
Ngoài khơi thông dòng vốn cho DN, bà Thảo cho rằng, vấn đề tiếp cận vắc xin hay những yêu cầu phòng chống dịch cần tạo thuận lợi cho DN. Quy định yêu cầu chống dịch thống nhất từ Trung ương tới địa phương, chứ không phải cát cứ mỗi địa phương áp dụng một hình thức khác nhau gây khó khăn cho DN. Hàng hóa không lưu thông được sẽ làm kiệt quệ "sức khoẻ" DN, ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động và nguồn thu của Nhà nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam