Thị trường

Giảm giá đầu vào, liên kết đầu ra

Việc giảm giá điện, nước, xăng dầu, kể cả giá nguyên liệu sẽ giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất trong lúc khó khăn này. Một khi giá thành sản phẩm giảm, cùng với sự liên kết giữa các doanh nghiệp thì thị trường đầu ra sẽ “dễ thở” hơn.

Nho Ninh Thuận vào mùa nhưng khó tiêu thụ / Ngân hàng Bản Việt tiếp tục giảm lãi suất vay lên đến 2,5%/năm cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Nằm trong các nhóm giải pháp giảm giá đầu vào nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh giữa mùa dịch Covid-19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)mới đâycho biết đang cùng Bộ Công Thương đề xuất một số phương án giảm giá điện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phương án giảm giá điện

Giá điện có thể được giảm tối đa trong 3 tháng 4, 5 và 6/2020 với mức 10% cho các đối tượng khách hàng sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Tổng gói hỗ trợ nếu được thông qua sẽ lên tới gần 11.000 tỷ đồng.

Theo phương án đưa ra từ Bộ Công Thương, sẽ giảm giá điện ở tất cả các khung giá: cao điểm, bình thường và thấp điểm so với biểu giá tại Quyết định 648 đối với khách hàng sản xuất kinh doanh. Trong 3 tháng, khách hàng kinh doanh sẽ được hỗ trợ986,19 tỷ đồng, với khách hàng sản xuất sẽ được hỗ trợ 5.117,82 tỷ đồng.

Việc giảm bớt gánh nặng chi phí tiền điện là điều mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang chờ đợi vào lúc khó khăn này. Như đề nghị vừa qua của 3 hiệp hội là Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), đó là cần giảm giá điện 30% trong năm 2020.

Nhiều DN mong muốn ngành điện cần xem xét giảm và cho hoãn các kỳ trả nợ tiền điện dài ra. Bởi lẽ, ngành điện đang thu tiền điện 3 kỳ một tháng. Trong trong điều kiện khó khăn như hiện giờ thì nên hoãn 3 tháng thu một lần. Đây chính là sự hỗ trợ cần thiết để các nhà sản xuất kinh doanh có thể tồn tại được.

Ngoài ra, giá nước cũng được 3 hiệp hội này đề nghị giảm 30% trong năm nay. Cùng với việc giảm giá đầu vào, với phí cảng biển, BOT, các hiệp hội đề nghị TP Hải Phòng giảm phí cảng biển 50% và Bộ GTVT nghiên cứu giảm 30% phí BOT từ năm 2020.

Riêng với nhiên liệu xăng dầu phục vụ cho sản xuất trong lúc khó khăn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường đều đã được điều chỉnh giảm, mạnh nhất là mặt hàng xăng với mức giảm hơn 4.000 đồng/lít.

Theo giới chuyên gia, việc giảm giá điện, nước, xăng dầu sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất của DN. Điều này có thể làm giảm được giá thành sản phẩm khi mà các DN cần tiết kiệm chi phí sản xuất trong lúc này, từ đó giúp đầu ra của DN trở nên cạnh tranh tốt hơn.

Giá cả của nguồn nguyên liệu nhập khẩu giữa mùa dịch Covid cũng là điều mà nhiều DN quan tâm khi mà nguồn cung giá rẻ từ Trung Quốc bị gián đoạn, làm cho giá nguyên liệu có thể tăng lên.

Trong báo cáo quý I/2020 của Bộ Công Thương, tuy không nói rõ về giá nguyên liệu nhập khẩu nhưng cho thấy nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 3.

Giảm giá đầu vào, tạo nhóm liên kết sẽ giúp đầu ra của DN tốt hơn
Giảm giá đầu vào, tạo nhóm liên kết sẽ giúp đầu ra của DN tốt hơn

Tạo nhóm liên kết

Cụ thể, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tháng 3 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung 3 tháng giảm 18%. Nhập khẩu Hàn Quốc lần lượt giảm 0,7% và tăng 2,4%, còn từ Nhật Bản lần lượt tăng 2,3% và tăng 15,8%.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, giá cả các khoản chi về nguyên, nhiên vật liệu thường tác động lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh và giá thành sản xuất. Cho nên, nếu giảm được những khoản chi phí này thì sẽ có tác dụng rất lớn để DN hạ giá thành sản phẩm trong bối cảnh khó khăn chung.

Bên cạnh việc giảm giá đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Dũng cho rằng việc tìm thị trường đầu ra cũng quan trọng không kém. Đây là thời điểm mà DN cần có nhiều cách thức mới để bán hàng hiệu quả hơn, nhất là cần có sự liên kết giữa các DN với nhau.

 

Cuối tuần qua, để cùng vượt khó trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một dự án từ Nhóm quản trị và khởi nghiệp kết hợp với các đối tác vận hành đã được triển khai với sự bắt tay của 1.000 DN trong cả nước cùng nhau cam kết giảm ít nhất 15% giá bán đủ các loại mặt hàng.

Ưu điểm của dự án là người tiêu dùng sẽ được mua các sản phẩm thiết yếu, thông dụng với giá giảm ít nhất 15% so với giá mà các DN đang bán trên thị trường. Còn các DN thì có thể tận dụng được các khách hàng của nhau, cùng nhau tiếp thị chung, để qua đó tăng khả năng tiếp cận khách hàng.

Ngoài ra, để gỡ khó đầu ra thì giữa các DN cần sử dụng sản phẩm của nhau cũng là điều cần được tính tới. Đây là một trong hai giải pháp quan trọng mà ngành dệt may từng đề xuất đến cộng đồng DN trong điều kiện xuất khẩu gặp khó khăn.

Mặt khác, để hỗ trợ đầu ra cho DN, ở góc độ quản lý, phía Bộ Công Thương đã tạo nhóm liên kết (nhóm trên ứng dụng Viber và Zalo) giữa các Tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, Trung tâm xúc tiến thương địa phương và các DN trên cả nước.

Việc này được kỳ vọng sẽ giúp DN liên kết, kết nối tốt hơn trong việc tìm thị trường đầu ra. Còn về phía cơ quan quản lý sẽ nắm bắt nhu cầu hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nhanh và hiệu quả hơn.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm