Covid-19: Xuất khẩu tôm điêu đứng, giá tôm giảm mạnh, nông dân khóc nghẹn bên ao tôm
Gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng dịch COVID-19 / Băn khoăn về quy định trong Chỉ thị 16, doanh nghiệp đề nghị có hướng dẫn cụ thể
Nông dân điêu đứng vì giá tôm giảm mạnh
Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 14.000 hộ dân nuôi tôm theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh, với diện tích hơn 8.000 ha, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng.
Không giống như những vụ mùa trước, từ đầu năm 2020, người nuôi tôm tại Cà Mau rất phấn khởi bởi có mùa nuôi khá thuận lợi, ít dịch bệnh. Ai nấy đều tưởng rằng sẽ trúng vụ lớn, trừ các khoản chi phí cùng lãi ròng vài trăm triệu đồng.
Thế nhưng, niềm vui chưa tồn tại được bao lâu thì lại thay bằng nỗi hoang mang, lo lắng khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã làm cho giá tôm bị sụt giảm mạnh.
Tính tới thời điểm này, giá tôm thẻ chân trắng giảm từ 15.000 - 22.000 đồng; tôm sú giảm từ 70.000 đến 150.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do nhiều quốc gia ngừng nhập khẩu để tránh dịch bệnh Covid-19 lây lan. Tình trạng này dẫn đến nhiều hộ nuôi phải cân nhắc, tính toán kỹ lợi nhuận mới dám thu hoạch tôm.
Ông Trần Văn Việt (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết, với tôm thẻ chân trắng nuôi ao đất giá tôm từ 80.000 đồng/kg (loại 100 con) trở lên người nuôi mới có lời. Với giá tôm như hiện nay, dân nuôi đang lỗ.
“Tôi chuyển sang tôm siêu thâm canh hơn 1 năm nay. Với những vụ nuôi trước đây vụ nào tôi cũng lãi vài trăm triệu đồng. Nhưng vụ nuôi này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến giá tôm giảm mạnh. Tôi đang phải lên hầm và chịu lỗ khoảng 200 triệu đồng. Nếu kéo dài thời gian nuôi, phát sinh thêm chi phí, mỗi ngày hơn 10 triệu đồng nên càng lỗ hơn”, ông Việt cho hay.
Dịch Covid-19 hoành hành khiến giá tôm nguyên liệu, nhất là tôm sú biến động rất mạnh, làm hàng ngàn hộ dân nuôi tôm tại Cà Mau gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, hộ ông Ngô Thành Cư (xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) cũng đang hoang mang vì giá tôm giảm mạnh như hiện nay.
Ông Cư cho hay, gia đình ông có 2 ao nuôi tôm công nghiệp, mỗi ao khoảng 2.000m2, hiện nay tôm khoảng 110 con/kg. So với trước dịch bệnh Covid-19, với kích cỡ tôm này ông Cư thu hoạch đã có lãi, nhưng với giá tôm như hiện nay nếu thu hoạch sẽ lỗ nên ông phải nuôi cho tôm về khoảng 30 - 40/kg con mới dám thu hoạch. Mong lúc đó giá tôm phục hồi như trước khi xảy ra dịch thì mới có lời.
Hiện nay, một số hộ đã thu hoạch tôm trước khi dịch bệnh xảy ra cũng rất ít người thả tôm vụ mới, bởi không biết thời gian giá tôm phục hồi được như trước đây. Bà Phạm Thị Lành, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi nhẩm tính bị “mất” gần 1 triệu đồng so với đợt bắt tôm tháng trước.
“Tuần trước, tôi xổ vuông (thu hoạch-PV) hơn 30kg tôm sú, loại từ 30-40 con/kg thu về chưa tới 3,7 triệu đồng. Trong khi đó, hơn 1 tháng trước, tôi xổ chỉ 25 kg mà bán hơn 4,5 triệu đồng. Hiện tôm nuôi đang vào chính vụ nhưng với tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành khiến giá tôm giảm như vậy, người nông dân còn đâu nữa mà ăn”, bà Lành nghẹn ngào.
Theo người nuôi tôm tại Cà Mau, chưa bao giờ trong một thời gian ngắn mà giá tôm giảm mạnh như hiện nay. Nếu dịch bệnh còn tiếp tục thì người nuôi tôm tại Cà Mau sẽ chưa dám xuống giống vụ mới. “Để theo dõi tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của các ngành chức năng tôi mới thả vụ mới”, ông Trần Văn Đức - người nuôi tôm tại huyện Đầm Dơi cho hay.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm giảm sản lượng tới 40%
Việc giá tôm giảm là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lây lan và bùng phát mạnh mẽ khiến cho việc xuất khẩu ngành hàng tôm của nhiều doanh nghiệp tại Càu Mau gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa cho biết, Công ty chủ yếu xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc (gần 99%), tuy nhiên trước tác động từ dịch Covid-19, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc thông quan sản phẩm đến thị trường Trung Quốc.
“Do ảnh hưởng dịch bệnh hàng hóa của công ty không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, lượng hàng hóa tồn đọng tại kho rất nhiều khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, mong Chính phủ cũng như các ban ngành tìm hiểu những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản”, ông Trung kiến nghị.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Cà Mau đang gặp khó khăn do đầu ra ngày càng bị thu hẹp.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường - chuyên về xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh tại Cà Mau.
Trước đây, những tháng cao điểm công ty xuất khẩu 30 container, còn bình thường cũng khoảng 15 container. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỗi tháng công ty chỉ xuất được 5 container. So với cùng kỳ, sản lượng hàng xuất khẩu chỉ bằng 40%.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường lý giải, nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp. Cả 2 thị trường lớn nhất của đơn vị là EU và Hàn Quốc hiện gần như bị đóng băng hoàn toàn.
Ông Tuấn cho hay, công ty vẫn phải đều đặn gánh chi phí hoạt động gần 4 tỷ đồng trong những tháng gần đây, trong đó, tiền điện mất đến 400 – 500 triệu đồng. Cũng vì vậy, lãnh đạo công ty đã có văn bản gửi Điện lực tỉnh Cà Mau đề nghị được giãn nộp tiền điện.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp và việc nuôi tôm trên địa bàn.
Tình trạng này làm cho người nuôi tôm hoang mang, lo không bán được tôm trong thời gian tới, không xác định được giá tôm trên thị trường, nên một số người dân đã bán tôm khi chưa đến lứa thu hoạch với giá rất thấp.
Hơn nữa, giá thành nuôi tôm thâm canh và nhất là siêu thâm canh của người dân còn quá cao, với việc giá giảm mạnh như hiện nay, nông dân sẽ không có lãi hoặc thua lỗ.
“Do vậy giải pháp trước mắt là nông dân cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Nếu tôm nuôi không đạt thì nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn tôm có kích cỡ nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn”, ông Bằng nói.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại ĐBSCL, dù các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc thông quan trở lại, nhưng lượng hàng chỉ nhỏ giọt, khi hàng vào nội địa cũng bị hạn chế việc di chuyển, mặt hàng tôm tiêu thụ được rất ít. Còn thị trường EU, do diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, hiện các đơn hàng nhập khẩu tôm đã ký hầu hết đều bị tạm hoãn ít nhất đến hết tháng 4/2020 và không ký đơn hàng mới. Thị trường Mỹ hiện chưa biến động nhiều, vẫn còn duy trì nhập tôm Việt Nam nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại, các thị trường còn lại đều khó do dịch bệnh.
Kiến nghị giảm thuế, giảm giá điện cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện có khoảng 70%-80% tôm xuất đi các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu. 30% còn lại ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Dịch Covid 19 bùng phát tại Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu vào các nước khác trên thế giới, nhất là khi hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7 tới đây. Theo ông Trương Đình Hòe, Phó Tổng Thư Ký Hiệp Hội VASEP chia sẻ: "Kịch bản khó khăn nhất là dịch bệnh kéo dài đến cuối quý II. Nếu dịch bệnh chấm dứt sớm sẽ thuận lợi, hiện nay tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc cũng đang có chiều hướng kiểm soát tốt dần. Một lời khuyên đối với bà con nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi tình hình và trao đổi với người thu mua, doanh nghiệp để nắm bắt cụ thể nhu cầu để đảm bảo sau dịch có sẵn sàng nguồn nguyên liệu tốt nhất cung cấp cho thị trường."
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả thị trường nhập khẩu hay trong nội tại ngành. Do vậy, quan trọng nhất là sự chung tay của nhà nước, doanh nghiệp, người nuôi, sự liên kết giữa các phân khúc sẽ tạo sức mạnh để giúp ngành vượt khó. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong di chuyển và hoạt động liên quan đến việc xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không có các đơn hàng mới trong quý tiếp theo. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Hiệp hội VASEP vừa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo Chính phủ xet xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện cho nhà máy sản xuất, kho lạnh và gia hạn thời gian thanh toán tiền điện. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh