Thị trường

Giảm lãi suất, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế

Lần thứ hai trong chưa đầy một tháng, NHNN chính thức giảm các mức lãi suất điều hành. Giảm lãi huy động là cơ hội để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.

Việt Nam - Israel thúc đẩy tìm kiếm cơ hội hợp tác / Đà Nẵng: Hoàn tất cải tạo, nâng cấp chợ Hàn thành chợ điểm phục vụ du lịch

Ngày 3/4, các ngân hàng thương mại đã chính thức giảm thêmlãi suất huy độngtheo sau quyết định hạ các mức lãi suất điều hành của NHNN. Theo ghi nhận của VTV Money, tất cả các NHTM đã đồng loạt hạ trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng thêm 0,5%/năm.

Đáng nói, ở một vài ngân hàng, kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng còn thấp hơn mức trần 5,5%/năm, thấp nhất chỉ 4,7%/năm. Lãi suất không kỳ hạn cũng có ngân hàng giảm xuống dưới mức trần 0,5%, chỉ còn 0,2%/năm. Nhiều ngân hàng cho biết, biểu lãi suất tiền gửi đã giảm khá mạnh so với mức đỉnh cách đây khoảng 2 tháng

Hạ lãi suất, giảm chi phí vốn cho các ngân hàng

0,2% - 1%/năm là mức giảm lãi suất huy động của hầu hết các ngân hàng trong ngày hôm nay, sau khi NHNN có động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ hai liên tiếp trong vòng một tháng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, lãi suất đã hình thành xu hướng đi xuống khá nhanh, khá mạnh, trên nền lạm phát thấp và cần tạo thêm động lực tăng trưởng kinh tế. Chi phí vốn, giá vốn đang rẻ hơn và dễ hấp thụ hơn.

Sau điều chỉnh, lãi suất phổ biến từ 5,8-8,9%/năm, cho các khoản tiền gửi từ 6-12 tháng. Lãi cao nhất trên 9%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên và cũng chỉ xuất hiện ở 1 số rất ít ngân hàng.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết: "Chúng tôi đã điều chỉnh ngay lãi suất huy động giảm từ 0,5-1%. Chúng tôi vẫn để lãi suất huy động ở mức hợp lý để đảm bảo thu hút khách hàng mới. Tuy nhiên, vẫn giảm để có cơ sở giảm chi phí vốn, giảm lãi suất cho vay".

Bà Trần Thị Huyền Anh, Trưởng nhóm giao dịch viên, Ngân hàng SeABank chi nhánh Hà Nội, nhận định: "So với dịp Tết thì lãi suất huy động 6-12 tháng đã giảm hơn 1%, người dân cũng lựa chọn các kỳ hạn dài để có mức lãi suất tốt hơn. Khi khách lựa chọn kỳ hạn dài giúp ngân hàng có nguồn vốn ổn định hơn".

Trước đó, chỉ trong quý 1, các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động từ 0,5 - 1,5%/năm.

Giảm lãi suất, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế - Ảnh 1.

Lãi suất cho vay tương ứng đã giảm từ 1,5 - 2%/năm. Với lần điều chỉnh này, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ còn giảm thêm, đặc biệt khi NHNN giảm 2 mức lãi suất quan trọng, là lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng và trần lãi suất huy động.

Ông Lại Tất Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ABBank, cho biết: "Hai mức giảm này thể hiện thị trường thanh khoản tốt, hoàn toàn đủ điều kiện để các NHTM có nguồn vốn thấp để hỗ trợ ngược lại ngân hàng và người dân có vốn cho sản xuất kinh doanh".

Nhiều ngân hàng cũng cho biết đã liên tục điều chỉnh biểu lãi suất trong khoảng 1 tháng gần đây nhờ thanh khoản cải thiện, dòng tiền gửi quay lại hệ thống sau Tết. Vì thế, với hai đợt giảm lãi suất điều hành lần này, các ngân hàng có chỉ báo rõ ràng hơn về xu hướng lãi suất để có thể đưa ra những quyết sách kinh doanh trong thời gian tới.

Doanh nghiệp kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới

Thực tế, theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, 1 tuần sau khi NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành hồi giữa tháng 3, lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh, về mức thấp nhất trong hơn 8 tháng, chỉ còn 1,2%/năm. Điều này cho thấy quyết định chính sách của NHNN đã ngay lập tức có hiệu quả đối với thị trường liên ngân hàng, nơi các ngân hàng cho vay mượn lẫn nhau.

Điều mà doanh nghiệp mong chờ nhất lúc này là các ngân hàng sẽ sớm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất cho vay nhanh hơn, để họ có thể mạnh dạn vay vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ông Hoàng Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hoàng Gia Phát, cho biết: "Trong tình hình khó khăn chung thì việc giảm lãi suất là yếu tố tác động đến sức mạnh doanh nghiệp rất nhiều, nên cũng mong muốn sự hỗ trợ của ngân hàng cũng như Chính phủ và nhà nước để giảm các lãi suất cho doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí để doanh nghiệp có thể phát triển tốt hơn. Mặc dù lãi vay so với những năm trước còn cao nhưng việc tiếp cận được nguồn vốn dòng tiền cho doanh nghiệp là điều kiện kiên quyết trong lúc này".

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 2 vừa qua đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay bình quân với khoảng 0,4%/ năm. Mức lãi suất vay thấp được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu vay vốn nhiều hơn trong thời gian tới bởi hiện tín dụng quý 1 tăng khá thấp, mới khoảng 2%.

Giảm lãi suất, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế - Ảnh 2.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần BIDV, nhận định: "Khi chúng ta giảm lãi suất, sẽ kích cầu tín dụng, qua đó cũng giúp khiến cho doanh nghiệp và người dân sẵn sàng vay - nợ nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh tiêu dùng, đồng thời cũng tăng thêm nguồn thu tín dụng, dịch vụ đi kèm cho các tổ chức tín dụng. Vốn dĩ trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây chính là cú hích quan trọng cho cả nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng".

Mục tiêu năm nay, tín dụng tăng trưởng khoảng 14% và có thể điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Thực tế, một số NHTM cũng bắt đầu đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi để kích cầu tín dụng.

Cùng với việc giảm các mức lãi suất điều hành để giảm chi phí đầu vào, trong đợt điều chỉnh này, NHNN đã giảm quyết định giảm 0,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn với 1 số lĩnh vực ưu tiên. Chính điều này được các chuyên gia nhìn nhận sẽ có tác động trực tiếp, tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh hơn tới việc giảm lãi vay trong thời gian tới.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam:Trong 1 tháng qua, lãi suất huy động của các ngân hàng giảm từ 0,5% - 1%. Mức giảm đáng kể. Mặc dù vậy, để ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay thì cũng cần 1 khoảng thời gian để mặt bằng lãi suất huy động thấm dần vào vào nền kinh tế, tiến tới giảm dần lãi suất cho vay cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích CTCK Maybank Investment Bank:Tôi cho rằng lãi suất cho vay ít nhất còn giảm 0,5% nữa, đơn giản dựa trên sự lan tỏa lãi suất ngắn hạn qua lãi suất dài hạn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:Ngân hàng thương mại có thể hạ lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay trong thời gian tới trên cơ sở mặt bằng lãi suất điều hành đã giảm. Hy vọng đến cuối tháng 4, mặt bằng lãi suất có thể giảm được 1,5% đến 2% so với thời kì đầu năm 2023. Điều đó sẽ hỗ trợ rất quyết liệt cho các doanh nghiệp khi khi mà thực hiện vay vốn. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ chi phí sử dụng vốn thấp, có thể tăng trưởng kinh doanh tốt nhất, đem lại kết quả.

Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi tăng trưởng kinh tế, cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 ngày 3/4, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, đồng thời, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, là động lực cho tăng trưởng kinh tế.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm