Gỡ khó cho doanh nghiệp đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối ngoại
Xuất khẩu nông sản đạt trên 23 tỷ USD / TP.HCM: Tiếp tục có thêm một chợ phiên nông sản an toàn
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và phân phối nông sản của Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng đưa hàng vào các hệ thống phân phối nước ngoài cũng như thực hiện kết nối doanh nghiệp (B2B).
Vướng mắc và khó khăn này được các doanh nghiệp chia sẻ, các cơ quan quản lý cũng nhận định là do các doanh nghiệp còn thiếu thông tin trong việc kết nối mua hàng nông sản, thực phẩm vào các chuỗi phân phối, đặc biệt là chuỗi phân phối hàng hóa của nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mặc dù đã có hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các hệ thống phân phối, nhưng chưa có cơ hội trực tiếp gặp gỡ nhân sự mua hàng để giới thiệu, chào bán sản phẩm của mình.
Hàng Việt Nam còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn tại các hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài. |
Với mong muốn tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên kệ của các siêu thị của các Tập đoàn phân phối lớn trên thế giới, mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre cùng các Tập đoàn phân phối lớn như Aeon, Wallmart, Central Group; Ngân hàng Agribank và các Hiệp hội ngành hàng tổ chức hội thảo và tập huấn kết nối mua hàng nông sản, thực phẩm vào các chuỗi phân phối nước ngoài cho các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL.
Sự kiện có sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp trong các ngành hàng thực phẩm, trái cây, đặc sản vùng miền, dệt may, da giày…
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, đơn vị chủ trì Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài cho biết, đây là hoạt động quan trọng hướng tới các doanh nghiệp ĐBSCL nâng cao năng lực xuất khẩu.
“Thông qua hoạt động này sẽ kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp với bộ phận mua hàng của các tập đoàn phân phối lớn; kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ tài chính cho quá trình sản xuất thực hiện đơn hàng cho các Tập đoàn phân phối quốc tế”, ông Linh cho hay.
Qua việc kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn phân phối nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đã được các chuyên gia của Central Group, Aeon và Wallmart giới thiệu định hướng mua hàng của tập đoàn, các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến để tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối toàn cầu của họ.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) khuyến cáo, để xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc hay các thị trường khác, sản phẩm phải được công nghiệp hoá và tiêu chuẩn hoá, chủng loại phải giống nhau. Trong khi đó, hiện chủng loại nông sản của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, chưa có thương hiệu thật mạnh nên khó tìm thấy đối tác đủ năng lực và đạt tiêu chuẩn.
Ngoài ra, để giải quyết tận gốc vấn đề chất lượng nông sản ở Việt Nam, các chuyên gia cũng đề xuất ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra quốc tế. Kèm theo đó là có chính sách tư vấn cho người nông dân về kỹ thuật, bảo đảm đầu tư cho người dân, nâng cao chất lượng cũng như sản lượng sản phẩm…
Đại diện Ngân hàng Agribank cũng giới thiệu các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống phân phối nước ngoài. Đây được coi là sự phối hợp khép kín, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu từ đầu ra cho đến các giải pháp tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua và chế biến xuất khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo