Gỡ khó cho doanh nghiệp ngay từ đầu năm
Xoài Việt chính thức vào siêu thị lớn của Hàn Quốc / "Không bán cho tư nhân những doanh nghiệp Nhà nước kém chất lượng"
Nhiều địa phương đã đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công cấp tỉnh, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. |
Tại Thừa Thiên Huế, sáng 5/1, UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt, tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 32 doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh năm 2018.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 2018, Thừa Thiên - Huế thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tạo được các điểm sáng trong thu hút đầu tư. Toàn tỉnh thực hiện vượt mức 13/14 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh) năm 2018 đạt 32.417 tỷ đồng, tăng 7,15% so với năm 2017. Trong thành tựu chung, có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2018, Thừa Thiên - Huế có 670 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,1%, với số vốn đăng ký đạt khoảng 6.900 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút 34 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng; trong đó, có 27 dự án trong nước với vốn đầu tư gần 3.500 tỷ đồng và 7 dự án cấp mới FDI, điều chỉnh 2 dự án FDI với số vốn đăng ký 1.161,8 triệu USD.
Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục chú trọng phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, có kế hoạch tổ chức gặp mặt doanh nghiệp mỗi tháng 2 lần theo chuyên đề nhằm đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể để hiện thực hóa các biện pháp giải quyết.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, ngoài các biện pháp vừa nêu trên, tỉnh cũng đã chính thức đưa vào vận hành cổng dịch vụ công tỉnh (https://dichvucong.thuathienhue.gov.vn/). Doanh nghiệp tiến hành giao dịch thủ tục hành chính tại tất cả các cơ quan trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến. Cùng với thẻ điện tử thông tin doanh nghiệp được cấp, doanh nghiệp không cần phải nộp bản giấy này khi thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan trên địa bàn tỉnh nhờ các văn bản điện tử được tích hợp trong thẻ có thể thực hiện liên thông giữa các thủ tục hành chính.
Ngoài kênh thông tin trên mạng xã hội facebook của Sở Kế hoạch và Đầu tư để cập nhật thông tin và tiếp nhận, trả lời kiến nghị phản ánh của các cá nhân, doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tạo điều kiện để doanh nghiệp nêu lên những kiến nghị, những vướng mắc trong "chương trình cafe doanh nhân" được tổ chức hàng tháng.
Năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế còn có chương trình hoạt động thường xuyên đồng hành cùng doanh nghiệp, thu thập các kiến nghị, đề xuất và nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp và trực tiếp đối thoại, giải thích những vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Tại Hải Dương, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019, vừa được tổ chức ngày 4/1.
Trong năm 2019, Hải Dương tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh các ngành có lợi thế, có giá trị gia tăng cao.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong năm 2018, như: Tỉnh đã chỉ ra được những nút thắt, những điểm nghẽn nhưng vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ triệt để. Ở các hội nghị thì các đại biểu rất quyết liệt nhưng triển khai trong thực tế thì lại khác.
Hải Dương vẫn có một số cán bộ ngồi không đúng vị trí nên gây cản trở cho sự phát triển của tỉnh và trong thời gian tới, tỉnh sẽ kiên quyết phân công công việc cụ thể cho đúng người, đúng việc và có thời hạn hoàn thành rõ ràng.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các ngành cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội; áp dụng cơ chế đặc thù, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư triển khai các dự án lớn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; khẩn trương đưa Trung tâm phục vụ Hành chính công vào hoạt động hiệu quả; Hạn chế tối đa việc công dân và doanh nghiệp giao dịch trực tiếp với cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước.
Tỉnh sẽ kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019; triển khai Kế hoạch phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu năm 2019 có thêm 2.500 doanh nghiệp mới năm 2019.
Tại Vĩnh Long, ngày 2/1, UBND tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để nắm bắt, chia sẻ và có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp, liên quan đến các vấn đề về hỗ trợ thuế, thuê đất, thủ tục hành chính, mở rộng sản xuất kinh doanh…
Sau khi nghe các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung đã ghi nhận và tiếp thu những ý kiến, đề nghị của các doanh nghiệp; đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan giải đáp cụ thể từng kiến nghị.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung khẳng định, việc gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp được tỉnh duy trì thực hiện thông qua định kỳ hàng quý trong năm nhằm nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, bức xúc, kiến nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài việc gặp gỡ tại các buổi đối thoại định kỳ, các doanh nghiệp khi gặp khó khăn, bức xúc có thể liên hệ trực tiếp với UBND tỉnh để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, trong năm 2018 tỉnh tiếp tục duy trì tốt 4 cuộc đối thoại định kỳ với doanh nghiệp; đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn.
Qua đó, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo bãi bỏ những quy định của địa phương hoặc trình trung ương hướng dẫn hoặc bãi bỏ những quy định, chính sách pháp luật không còn phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.
Mặt khác, các cấp, các ngành của tỉnh đã tích cực cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý; trong đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ bưu điện công ích, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong giải quyết các hồ sơ nhằm kéo giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính so với quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?