Gỡ khó cho hợp tác xã trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Kim ngạch thương mại Việt - Lào chưa tương xứng với tiềm năng / Đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho lâm, thủy sản
Nhiều hạn chế cần tháo gỡ
Hiện Việt Nam có hơn 4.000 hợp tác xã (HTX) tham gia sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, chiếm gần 13% trong tổng số HTX cả nước. Đồng thời cũng có khoảng 30% trong tổng lượng sản phẩm OCOP trên cả nước là sản phẩm của HTX nông nghiệp.
Tại diễn đàn HTX quốc gia năm 2024, sáng ngày 11/4 tại Hà Nội, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, phát triển chuỗi giá trị nông sản giúp HTX phát triển nhanh và bền vững. Khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5 - 10%, doanh thu tăng thêm 15 - 20%. Lợi nhuận cũng cao hơn từ 10 - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX.
Thực tiễn cho thấy, hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX chính là nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trên cả nước. Chỉ có HTX mới có khả năng liên kết người dân và doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại giá trị, lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ để phát triển bền vững.
Hoạt động của các HTX trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước. Tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất chung. Các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng. Khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như chính sách hỗ trợ về liên kết chuỗi, chính sách tiếp cận vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Nhấn mạnh vấn đề ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế HTX, ông Trần Hồng Thái - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn thấp, hiện chỉ chiếm 9,37% tổng số HTX nông nghiệp. Tính đến tháng 12/2021, chỉ có 1.718 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao.
Cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều HTX về nông nghiệp rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ cao trong nông nghiệp.
Thiếu đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao và chuyên sâu đáp ứng nhu cầu phát triển của HTX. Thiếu các chính sách ưu đãi với người làm công tác nghiên cứu, nhất là trong các HTX mà người làm công tác nghiên cứu khó có thể có thu nhập cao...
Ông Nguyễn Anh Đức - Uỷ viên BTV Liên minh HTX Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chia sẻ, quá trình phát triển chuỗi cung ứng nông sản hiện nay hiện nay diễn ra trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
Trong khi đó, đóng góp của các HTX trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn còn khiêm tốn. Trong lĩnh vực thương mại hiện đại, số lượng các nhà phân phối HTX còn ít trong các loại hình siêu thị và phân phối hiện đại. Ước tính các HTX có tỷ trọng đóng góp doanh số dưới 3% trong các nhà phân phối hiện đại lĩnh vực siêu thị.
Hiện mới có hơn 1.700 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ 1,5% HTX dùng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh.
Tăng cường hỗ trợ nguồn lực từ Nhà nước
Đề xuất giải pháp, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho rằng, cần tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động KH&CN phục vụ phát triển HTX. Ưu tiên hỗ trợ các HTX nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất. Đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao về KH&CN cũng như quản trị công nghệ cho HTX.
Tăng cường hoạt động liên kết trong nghiên cứu KHCN và đổi mới sáng tạo giữa các HTX và các viện nghiên cứu, trường đại học để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn cung công nghệ trong nước, tăng cường khả năng hấp thụ, làm chủ và phát triển công nghệ của các HTX.
Mở rộng các hoạt động hội chợ, sàn giao dịch công nghệ, techmart, kết nối cung cầu... để tạo điều kiện tốt nhất cho cho người sản xuất, người làm công các KH&CN có được cơ hội gặp gỡ để lliên kết cùng phát triển.
Đặc biệt, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ nguồn lực để các cấu thành tham gia trong chuỗi cung ứng nông sản phát triển nhanh, cạnh tranh tốt và bền vững.
Đối với các HTX, Uỷ viên BTV Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị, phải chủ động tìm hiểu, tận dụng những lợi thế ưu việt mà Nhà nước ta dành cho kinh tế tập thể. Chủ động đổi mới, sáng tạo phát triển phù hợp xu thế hiện đại nhằm gia tăng giá trị trong từng khâu của chuỗi giá trị sản phẩm. Cùng chia sẻ, hợp tác một cách chủ động, trách nhiệm cùng chung tay nâng tầm sản phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị khu vực HTX tại Hà Lan, bà Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc Agriterra Việt Nam cho rằng, bí kíp thành công của các HTX Hà Lan là phát triển 2 chiến lược khác nhau để gia tăng thu nhập của thành viên.
Các HTX đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thương hiệu sản phẩm. Qua đó giúp tăng cường vị thế của HTX trong liên kết ngang, cạnh tranh với các công ty lương thực, thực phẩm khác cũng như liên kết dọc với các nhà bán lẻ lớn như siêu thị.
Theo bà Hiền, nông nghiệp hiện nay liên tục thay đổi, thị trường yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Liên kết giữa doanh nghiệp và vùng nguyên liệu, giữa người sản xuất quy mô nhỏ với nhau đã mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, thay đổi về nhu cầu của khách hàng về loại sản phẩm, hình thức sản phẩm, chất lượng, độ an toàn, khẩu vị và sự tập trung vào sản phẩm bổ dưỡng/hữu cơ.
Vì vậy, các HTX chỉ tập trung vào sản xuất không còn khả thi, bởi trên thực tế, việc bán hàng theo cách tạo ra giá trị thặng dư nhỏ không còn là cách tiếp cận theo hướng lâu dài nữa.
Do đó, người nông dân cần tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, quan hệ đối tác lâu dài mới tạo điều kiện lớn nhất cho việc tăng thu nhập của các bên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo