Hà Giang: Ma Lỳ Sán nâng cao hiệu quả sản xuất
Hà Nội: Hướng mới từ trồng dưa sạch / Tiền Giang: Trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng Đồng Tháp Mười
Mở hướng đi mới
Ma Lỳ Sán có 30 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Với địa hình đồi núi dốc, hiểm trở, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc sản xuất nông nghiệp của thôn gặp rất nhiều khó khăn.
Để khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống cho người dân, những năm qua, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ).
Sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã giúp cơ sở vật chất và đời sống của người dân thôn Ma Lỳ Sán ngày càng được cải thiện. Hệ thống đường giao thông từ trung tâm xã Pà Vầy Sủ vào thôn Ma Lỳ Sán đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa.
Chợ Mốc 172 đang được duy trì hoạt động, ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực và trở thành địa điểm giao thương giữa cư dân 2 bên biên giới.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thôn cũng ngày càng khởi sắc, trong đó, mô hình trồng chuối tiêu xanh đang cho thấy hiệu quả kép về kinh tế và ATLĐ. Hiện tại, dọc 2 bên trục đường vào thôn, trải dài là một màu xanh mướt của những vườn chuối đang thời kỳ ra quả.
Ông Vàng Sèo Páo, thôn Ma Lỳ Sán, chia sẻ: “Sau khi trang bị kỹ thuật và tìm được đầu ra cho sản phẩm, gia đình đình tôi đã quyết định chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chuối theo hướng an toàn. Năm 2018, gia đình trồng 2.000 cây và cho thu nhập hơn 100 triệu đồng”.
Sản xuất an toàn gắn với khoa học kỹ thuật sẽ được thôn chú trọng để nâng cao giá trị sản phẩm
Phát triển bền vững
Ông Lù Văn Hiền – Chủ tịch UBND xã Pà Vầy Sủ, cho biết: “Sau thời gia phát triển mô hình, cây chuối tiêu đang cho thấy sự thích nghi rất tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở thôn Ma Lỳ Sán. Hiện tại, trong thôn có 12/30 hộ trồng chuối với gần 10 ha, quy mô trung bình từ 1.000 – 2.000 cây/hộ”.
Không chỉ cho hiệu quả cao về kinh tế, mô hình trồng chuối còn mang lại những lợi ích thiết thực về ATLĐ, vệ sinh môi trường.
Theo các hộ sản xuất, trồng chuối không quá phức tạp nhưng đòi hỏi người sản xuất phải nắm vững các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại,… Vì vậy, để phát triển mô hình, các hộ đều tự giác học hỏi kỹ thuật, trang bị kiến thức về sản xuất an toàn, ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, môi trường.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc chuối, các hộ dân đều nắm vững quy trình sinh trưởng của cây, qua đó, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hiệu quả, an toàn. Các hộ cũng nắm vững kiến thức về ATLĐ trong quá trình sử dụng máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất.
“Để đảm bảo hiệu quả lâu dài, thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh hỗ trợ để người dân mở rộng diện tích, kết nối thị trường tiêu thụ, đồng thời, khuyến khích người dân nâng cao trình độ, áp dụng kỹ thuật sản xuất mới, chú trọng ATLĐ, nhằm nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm”, ông Lù Văn Hiền nhấn mạnh.
Bên cạnh trồng trọt, thôn Ma Lỳ Sán cũng đang tích cực đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với ATLĐ và bảo vệ môi trường. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong 2 năm qua, bộ mặt kinh tế - xã hội thôn Ma Lỳ Sán đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần khởi sắc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Ma Lỳ Sán đang gặt hái thành công từ mô hình trồng chuối tiêu xanh