Hà Nội: Hướng mới từ trồng dưa sạch
Vào vụ Đông, nhiều địa phương thường bỏ hoang ruộng đất. Tuy nhiên, với việc canh tác dưa chuột theo hướng VietGAP, người dân huyện Thường Tín đã có thu nhập trên 10 triệu đồng/sào.
Hà Nội: Lãi lớn nhờ mô hình trồng rau hữu cơ vụ Đông / Bắc Giang: Lợi ích kép từ trồng cây có múi
Dẫn chúng tôi đi thăm khu canh tác dưa chuột của xã Dũng Tiến, ông Nguyễn Thông Thạo – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dũng Tiến cho biết, phong trào trồng cây vụ Đông ở xã phát triển mạnh vài năm gần đây, trong đó cây dưa chuột chiếm ưu thế với trên 50 mẫu. Để nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định đầu ra, địa phương đã chủ trương phát triển mô hình trồng dưa chuột theo hướng VietGAP. Đến nay, hơn 300 hộ dân trồng dưa trên địa bàn xã canh tác theo hướng hữu cơ. Dưa chuột Ba Lăng, xã Dũng Tiến đã có mặt ở nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Gia đình bà Đỗ Thị Tĩnh, thôn Ba Lăng, xã Dũng Tiến có 4 sào ruộng trồng dưa chuột. Mỗi vụ dưa, với giá bán ổn định từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình bà thu về 40 triệu đồng. “Từ ngày trồng dưa chuột, tôi thấy đỡ vất vả mà lãi cao hơn so với các cây trồng khác” – bà Tĩnh bày tỏ. Tương tự, hộ bà Đỗ Thị Xuyến ở thôn Ba Lăng hiện cũng đang canh tác 2 sào ruộng theo mô hình 1 vụ lúa mùa và 2 vụ dưa chuột. Bà Xuyến chia sẻ, ban đầu khi mới chuyển sang trồng dưa theo quy trình VietGAP, bà cũng thấy băn khoăn. Tuy nhiên, sau khi được địa phương tập huấn kỹ thuật, bà thấy cũng dễ làm, hơn nữa đầu ra của sản phẩm được đảm bảo vì không dùng thuốc hóa học.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng cho biết, tính đến thời điểm này, toàn huyện đã trồng được tổng diện tích 1.112,6ha cây trồng vụ Đông trên đất hai lúa, trong đó diện tích trồng cây dưa chuột gần 60ha. Cây dưa chuột đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Năm 2018, sản phẩm dưa chuột của huyện Thường Tín đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Dưa chuột Ba Lăng”. Đây là cơ hội tốt để người nông dân trong huyện tăng giá trị thương phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để phát huy giá trị nhãn hiệu tập thể "Dưa chuột Ba Lăng", Phòng Kinh tế huyện Thường Tín triển khai các chương trình hỗ trợ, cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật trồng giống dưa lai PC4 do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam lai tạo trồng thử nghiệm trên địa bàn xã Dũng Tiến. Hiện, cây dưa chuột đang trong thời gian cho thu hoạch với năng suất ước đạt khoảng 1,5tấn/sào, giá trị đem lại từ 12 - 15 triệu đồng/sào. Ngoài ra, Phòng Kinh tế huyện còn triển khai thực hiện mô hình trồng dưa chuột vụ Đông không cần giàn, qua đó tận dụng tối đa bề mặt ruộng. Phương pháp trồng mới này có ưu điểm dễ chăm sóc và tiết kiệm chi phí đầu tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo
Thu hoạch dưa chuột tại hộ gia đình bà Đỗ Thị Tĩnh, thôn Ba Lăng.