Hà Nội: Chợ truyền thống sức mua tăng 50%, giá thực phẩm tăng nhẹ sáng ngày 19/7
'Mạnh tay' với bán nhà hai giá để trốn thuế / Kết nối nhãn lồng và nông sản Hưng Yên với 21 quốc gia
Ngày 19/7 là ngày đầu tiên thực hiện công điện 15/CĐ-UBND của UBND TP Hà Nội nhằm triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước. Sáng 19/7/2021, Doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận tại một số chợ truyền thống, sức mua của người dân với các mặt hàng nhu yếu phẩm đã tăng đột biến.
Cụ thể, chưa đến 8h sáng, tại các chợ, người dân mua hàng đã thưa thớt hẳn so với mọi khi. Một số tiểu thương buôn bán ở chợ được biết, ngay từ sáng sớm khoảng từ 5h - 6h sáng, bà con đi chợ để mua các mặt hàng nhu yếu phẩm để dự trữ cho những người sắp tới.
Chị Luyến, một tiểu thương bán gà vịt sống và các loại trứng gia cầm ở chợ Khương Đình, quận Thanh Xuân cho biết, ngay từ sáng sớm, khi chị vừa mới chở trứng đến điểm bán ở đầu cổng chợ, bà con đã ùn ùn kéo đến mua hết chỗ trứng mà chị mang đến. Người một khay, người thì 3 khay (mỗi khay 30 quả), khiến chị không kịp trở tay.
“Chỉ trong chưa đầy 10 phút tôi đã bán hết 300 quả trứng gà, nhiều người ra muộn hơn là hết, tôi không có hàng để bán”.
Chị Luyến chia sẻ, mặc dù hôm nay mọi người mua nhiều hơn, trong chợ nhiều nhà tăng giá 1.000 – 2.000/10 quả trứng tùy loại nhưng nhà chị vẫn không tăng giá bán. Trứng cút vẫn giữ ở mức 7.000 đồng/10 quả. Trứng gà, trứng vịt vẫn giữ giá như ngày thường.
Tại các chợ truyền thống, hàng hóa vẫn rất rồi dào, luôn đủ cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, mặt hàng thịt lợn, rau xanh cũng được người dân đặc biệt ưu tiên mua trong sáng 19/7. Sức mua tại các chợ truyền thống theo nhận định của các tiểu thương tăng so với ngày thường khoảng 50%. Giá các mặt hàng thực phẩm cũng tăng nhẹ từ 10-15%.
Thịt lợn là một trong những mặt hàng bán chạy nhất trong sáng 19/7, số lượng thịt lợn bán ra tăng lên khoảng 50% so với ngày thường, giá thịt lợn cũng tăng từ 10-15%.
Tại chợ Khương Trung vào sáng sớm nay, hầu hết các quầy thịt lợn đều đắt hàng, sức mua tăng đột biến. Theo phản ánh của người dân, giá thịt lợn tăng từ 110.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg.
"Giá thịt lợn nhập vào trong sáng ngày hôm nay tăng khoảng 20.000 đồng/kg nên buộc phải tăng giá bán", một tiểu thương chia sẻ. Giá thịt bò tại các chợ cũng dao động trong khoảng 270.000 - 290.000 đồng/kg.
Lượng đơn hàng ship gạo tận nhà tăng đột biến trong ngày 19/7 song giá gạo vẫn bình ổn.
Các cửa hàng gạo trong chợ cũng được người dân đặt khá nhiều. Đa số mọi người đều yêu cầu ship gạo tới tận nhà. Mỗi người đều mua 1-2 bao (mỗi bao 10kg) để cả nhà ăn dần. Chị Thu, một tiểu thương bán gạo ở chợ Khương Đình cho biết, gạo nhà mình hôm nay không tăng giá, tuy nhiên hôm nay mọi người đặt hàng nhiều. Chồng mình đi ship từ sáng đến giờ chưa hết đơn. Hàng hóa sẽ liên tục được phủ đầy đảm bảo sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm.
Sáng 19/7, theo phản ánh của một số người dân, nhiều chợ dân sinh, chợ truyền thống do người mua đông nên không đảm bảo giãn cách 2m như quy định phòng, chống dịch.
Sáng 19/7, tại Hà Nội, hàng hóa tại cả các chợ truyền thống hay trong siêu thị đều rất dồi dào. Không hề xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Tại siêu thị BigC Lê Trọng Tấn sáng nay, tất cả các mặt hàng đầy ắp các kệ hàng. Mặc dù sức mua lớn nhưng hàng luôn được nhân viên siêu thị cung ứng kịp thời, tất cả đều là hàng mới, tươi xanh, và giá cả đều giữ ổn định không có sự biến động quá lớn.
Trong tối muộn ngày 18/7, tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội có hiện tượng người dân mua gom hàng hóa, dẫn đến hết hàng, nhưng đến sáng hôm sau lượng hàng đã được bổ sung trở lại.
Tại siêu thị BigC Lê Trọng Tấn, hàng hóa dồi dào, phong phú, giá cả ổn định.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp phân phối đã chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3 đến 5 lần tại các kho hàng và tại các kho ở siêu thị, sẵn sàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô. Từ đó khuyến cáo người dân yên tâm không tích trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đông người đến các hệ thống phân phối nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo