Hà Nội quyết tâm thực hiện 6 giải pháp phát triển kinh tế-xã hội
Cục Hàng không đề xuất kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế theo ba giai đoạn / Thu thuế với các triệu phú, tỷ phú YouTuber, Facebooker thế nào?
Những tháng đầu năm, thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương đầu tàu kinh tế với mức tăng trưởng khá.
Tăng trưởng trong khó khăn
Theo Ủy ban Nhân dânthành phố Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn quý 1 năm 2021 ước tính tăng 5,17% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,13% của quý 1 năm 2020 và cao hơn mức tăng chung của cả nước, đồng thời thể hiện tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thành phố Hà Nội vẫn quyết tâm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và có giải pháp đúng hướng.
Thành phố quan tâm phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản nên quý 1 ước tính tăng 2,51% so với cùng kỳ. Những tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, lúa và cây màu vụ Xuân sinh trưởng, phát triển tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, công tác tái đàn được quan tâm, đàn lợn tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm tăng 5,4%; sản lượng thủy sản tăng 2,9%.
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng trong quý này ước tăng 7,99% (quý 1 năm 2020 tăng 5,59%), đóng góp 1,52 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt trong cộng đồng, sản xuất công nghiệp dần lấy lại đà tăng trưởng khá.
Ngành công nghiệp tăng 8,01%; sản xuất phân phối điện tăng 6,54%; hoạt động cung cấp nước, xử lý nước thải tăng 10,94%. Ngành xây dựng ước tăng 7,97% nhờ thành phố thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm thu hút đầu tư và đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Khu vực dịch vụ ước tính quý 1 năm 2021 tăng 4,54%, trong đó một số ngành vẫn duy trì tăng trưởng khá: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,43%; kinh doanh bất động sản tăng 7,6%; bán buôn, bán lẻ tăng 6,77%... Tuy nhiên, một số ngành tiếp tục tăng trưởng âm như hoạt động nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 15,94%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 7,3%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 6,36%; vận tải, kho bãi giảm 2,01%.
Vì vậy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quý 1 năm 2021 ước thực hiện 72,8 nghìn tỷ đồng, đạt 28,9% dự toán pháp lệnh năm 2021 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Thành phố thu nội địa 67,4 nghìn tỷ đồng, đạt 29,1% dự toán và tăng 2,2% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5,1 nghìn tỷ đồng, đạt 27,3% và tăng 9%.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dânthành phố Hà Nội, nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả của Thành ủy cùng với sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, kinh tế-xã hội thành phố vẫn đạt được các kết quả quan trọng.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức như kinh tế duy trì tăng trưởng thấp hơn kịch bản đầu năm, các ngành, lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ, giải quyết việc làm, giáo dục, đào tạo gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 - năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Ủy ban Nhân dânthành phố Hà Nội đề nghị các cấp, ngành thực hiện tốt một số các giải pháp như tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; hạn chế tối đa, không để dịch phát sinh và lây lan trong cộng đồng; chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, tình huống, biện pháp, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn vaccine, để ứng phó kịp thời và phòng, chống hiệu quả dịch bệnh.
Hà Nội tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố; thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản...
Thành phố tập trung đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm; huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển; tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thực hiện các dự án.
Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhất là các dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, có sức lan tỏa, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Ngành nông nghiệp chủ động bám sát diễn biến thời tiết, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm; nhanh chóng tái đàn lợn, phát triển ổn định đàn bò, đàn gia cầm, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ngành đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây năng suất, chất lượng cao; cơ cấu lại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa; ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, rau hữu cơ...
Thành phố chú trọng phát triển hạ tầng sản xuất, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; quan tâm phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng và thực hiện kế hoạch kích cầu tiêu dùng, chương trình khuyến mại tập trung năm 2021.
Hà Nội xây dựng và thực hiện các kịch bản phục hồi tăng trưởng ngành du lịch Thủ đô; kích cầu, phát triển du lịch nội địa, tạo ra các sản phẩm, địa điểm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, tăng cường tuyên truyền quảng bá thu hút khách du lịch đến với Hà Nội.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo đời sống người có công với cách mạng; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
Cùng với việc thực hiện tốt Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, Hà Nội cũng tăng cường bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố.
End of content
Không có tin nào tiếp theo