Thị trường

Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế từ thế mạnh của các sản phẩm OCOP

DNVN - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được thành phố Hà Nội triển khai đã đạt được nhiều kết quả khả quan góp phần vào việc khai thác, duy trì và phát huy những giá trị tiềm năng của làng nghề truyền thống... tạo ra nguồn sản phẩm phong phú và góp phần gia tăng thu nhập cho người lao động.

Công nghiệp hỗ trợ khó hưởng lợi với làn sóng FDI mới? / Hà Nội: Đột kích 2 chợ ở Ninh Hiệp, thu giữ gần 4.700 sản phẩm nhái hàng hiệu

Theo thống kê, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng làng nghề lớn chiếm 1/3 số làng nghề trên cả nước. Bên cạnh đó còn có nhiều nông sản và đặc sản nổi tiếng. Để đạt mức tăng trưởng 4,12% trong năm nay ngành Nông nghiệp Hà Nội đang chú trọng khai thác thế mạnh từ các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, ngay từ đầu năm 2020, Văn phòng nông thôn mới đã phối hợp với các đơn vị truyền thông Trung ương và Hà Nội tập trung tuyên truyền về chương trình OCOP, các sản phẩm đã được Thành phố đánh giá, phân hạng và cấp sao.

Theo đánh giá của Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí, làng nghề và nông sản, đặc sản là lợi thế để Hà Nội triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đa dạng gắn với các yêu cầu chính: Thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Năm nay, Văn phòng sẽ tổng hợp, đánh giá, xếp hạng khoảng 700 sản phẩm, trong đó có từ 500 sản phẩm cấp thành phố, 100 sản phẩm cấp quốc gia theo quy định.

Đặc biệt, thông qua chương trình đã khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền. Tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, bảo đảm về chất lượng, tăng thu nhập cho người lao động. Đây cũng là cơ hội tốt đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến, phát triển thị trường đến tiêu thụ sản phẩm, với những hàng hóa chất lượng.

Sản phẩm nấm của Công ty cổ phần KMS đầu tư - sản xuất và thương mại (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) được công nhận sản phẩm Chương trình OCOP cấp thành phố. Ảnh: Bá Hoạt

Sản phẩm nấm của Công ty cổ phần KMS đầu tư - sản xuất và thương mại (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) được công nhận sản phẩm Chương trình OCOP cấp thành phố. Ảnh: Bá Hoạt

Bên cạnh những thuận lợi nhiều chuyên gia cũng đánh giá việc phát triển các sản phẩm OCOP của Thành phố còn gặp một số khó khăn do nhiều sản phẩm được sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ. Một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô sơ, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm thấp, giá trị gia tăng của sản phẩm khi đưa ra thị trường chưa cao.

Nhiều sản phẩm trước khi tham gia dự thi mặc dù chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng cho sản phẩm còn chưa đầy đủ theo yêu cầu như: Thiếu kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ; hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đại lý, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, trang website,…; nhãn hiệu, bao bì vẫn còn đơn giản chưa bắt mắt khách hàng tiềm năng; đặc biệt câu chuyện sản phẩm còn sơ sài chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương.

Việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm của các chủ thể còn lúng túng, câu chuyện sản phẩm còn đơn giản, chưa gắn kết được với lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương; nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch - truyền thống - lễ hội còn chưa triển khai thực hiện.

Để khắc phục những bất cập trên, để chương trình OCOP được nhiều người biết đến, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung cho việc khảo sát các chủ thể có sản phẩm thuộc 6 nhóm sản phẩm OCOP trên địa bàn nhằm phân nhóm, phân hạng sản phẩm.

Bên cạnh đó cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử,bán hàng Online... Để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm và sử dụng.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm