Hải Dương: Anh em cùng đào con sông 'chảy ra vàng', dựng cơ nghiệp 300 tỷ đồng
Đắk Nông: Kỹ sư công nghệ viễn thông bỏ phố thị về buôn làng lập nghiệp với mô hình nuôi dê bền vững / Quảng Ninh: Động lực giảm nghèo từ nuôi gà Tiên Yên
Khởi nghiệp từ 100 triệu đồng
Có công lập nên HTXThủy sản Xuyên Việt có một không hai ở đất Hải Dương là chàng trai 8X Lê Văn Việt - người từng giữ vị trí quản lý ở một doanh nghiệp thủy sản hàng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thế nhưng, anh quyết định từ bỏ tất cả để trở về quê hương cùng người nông dân xã Hồng Hưng (Gia Lộc) lập nghiệp trên vùng đất trũng, thực hiện ước mơ làm giàu.
Việt tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang năm 2005. Ngay sau khi ra trường, anh đầu quân cho một công ty thuỷ sản lớn ở An Giang. Chỉ một thời gian ngắn, Việt được giao vị trí quản lý một nhà máy chế biến với mức lương “khủng”. Ai cũng nghĩ Việt sẽ gắn bó với nơi này, nhưng thực tế, anh đang âm thầm đúc kết kinh nghiệm cho một dự định lớn lao tại quê hương.
Bỏ công việc quản lý với mức lương ổn định, chàng trai Lê Văn Việt (áo đen) về quê gây dựng cơ nghiệp để bắt vùng đất trũng "nhả vàng" |
Năm 2010, bỏ vị trí mà nhiều người mơ ước, anh khăn gói trở về Hồng Hưng, quyết tâm bắt đất trũng “nhả vàng”. Chỉ một năm sau, Việt đã tích tụ được khoảng 10ha đất, cùng với 8 thành viên khác thành lập Hợp tác xã thủy sản Xuyên Việt.
“Dân quê tôi từ trước đến nay chỉ nuôi các loại cá quen thuộc theo phương pháp truyền thống, thả cá cho ăn và đợi đến ngày thu hoạch nên năng suất rất thấp. Còn tôi muốn những ao nuôi của HTX phải cho sản lượng gấp đôi” - Việt chia sẻ về tham vọng của mình.
Bằng những kiến thức đã học trong trường, với kinh nghiệm những năm tháng làm việc ở công ty thuỷ sản trước đó, ngay trong vụ đầu tiên thả nuôi, Việt khiến nhiều nông dân nuôi cá ở địa phương kinh ngạc khi năng suất cá thu được lên đến 30 tấn/ha, trong khi nuôi theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 5-7 tấn/ha.
Lý giải cho thành công này, Việt bảo: “Bí quyết chỉ ở chỗ chúng tôi quản lý môi trường ao nuôi tốt, sử dụng thiết bị để tăng lượng ôxy trong môi trường nước chứ không đợi đến khi cá nổi lên mới quạt máy như bà con. Chúng tôi cũng trộn các chế phẩm sinh học, men vi sinh để thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cá, giúp cá lớn nhanh và khỏe mạnh”.
Nuôi theo cách này, trọng lượng cá rô phi trong ao của HTX đạt 700-800g/con, bán với giá bình quân 35.000-40.000 đồng/kg. Thời điểm 2012-2013, giá cá lên tới 50.000 đồng/kg, nhờ đó các thành viên của HTX có nguồn thu nhập đáng kể, Việt khoe.
Thành công đó vẫn không làm Việt hài lòng. Năm 2013, anh tiếp tục áp dụng mô hình nuôi cá trong ao nổi. “Nói một cách đơn giản thì ao nổi chính là ruộng, cơi bờ lên thành ao, nuôi cá trong ao nổi do lượng bùn ít hơn ao chìm nên chất lượng cá tốt hơn, lượng ô xy trong ao nhiều hơn nên năng suất cao, rút ngắn thời gian thu hoạch", Việt lý giải.
Năm 2016, HTX Xuyên Việt tiếp tục áp dụng mô hình “sông trong ao” - mô hình mà Việt nghiên cứu và tìm hiểu lâu nay bởi tính ưu việt của nó. Theo Việt, đây là mô hình tuần hoàn nên không ảnh hưởng đến môi trường nước, tiết kiệm nước, có hệ thống hút phân và chất thải, do đó cá được sống trong môi trường cực kỳ trong lành, giúp nâng cao năng suất, chất lượng. Đặc biệt, cá nuôi theo mô hình “sông trong ao”, chi phí sản xuất giảm 5-10%, trong khi năng suất có thể đạt 120-150 tấn/ha.
Khu ao nuôi cá có hệ thống rất đặc biệt giúp cá khoẻ, phân cá được xử lý, lọc sạch |
Nói rồi Việt dẫn tôi ra thăm ao nuôi ngay trước mặt trụ sở HTX. Cả một vuông ao rộng hàng nghìn mét vuông chỉ có một khoảnh rất nhỏ được quây cho cá sống, có một hệ thống máy lọc nước tự động được Việt nghiên cứu, lắp đặt giữ cho môi trường nước luôn trong lành, toàn bộ phân cá, chất thải được lọc, đưa lên trên bờ để làm phân bón. “Nhà cho cá sống chỉ chiếm 1/10 diện tích ao nhưng mỗi năm cho sản lượng cá khủng đấy” - Việt khoe.
Từ ngày áp dụng mô hình mới, thu nhập của mỗi thành viên trong HTX được cải thiện đáng kể. Từ 10 thành viên ban đầu, trước sức hút của mô hình, đến nay HTX đã mở rộng quy mô với 28 thành viên, diện tích sản xuất 106ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường 7.000 tấn cá và 30 triệu con cá giống các loại.
Điều Việt và mọi người cảm thấy tự hào là tất cả các thành viên trong HTX đều có cuộc sống khá giả.
“Đến giờ chúng tôi có thể tự hào toàn bộ vốn sản xuất của HTX đều hình thành từ quá trình tích lũy, phát triển, không có dư nợ ngân hàng. 28 thành viên ai cũng có ô tô, nhà đẹp, nhân viên của HTX được trả lương ổn định, riêng lương kỹ sư 15 triệu đồng/người/tháng. Vốn đầu tư của HTX từ 100 triệu đồng ban đầu nay đã tăng lên 300 tỷ đồng”, anh tiết lộ.
Đưa con cá tra từ Nam ra Bắc
Khi còn chưa hết ngạc nhiên với những ao cá tuần hoàn, không chất thải của HTX, chúng tôi được vị giám đốc trẻ, nhiệt huyết dẫn đến một ao nuôi cá tra rộng lớn và khoe: “Có lẽ Xuyên Việt là nơi đầu tiên nhân giống được cá tra từ cá bố mẹ, thuần hóa nó để phù hợp với thời tiết miền Bắc”.
Thực chất, đưa cá tra ra Bắc không phải là một bước đi mạo hiểm, ngông cuồng của Việt và các thành viên HTX. Nó nằm trong chiến lược sản xuất kinh doanh để cung cấp một sản phẩm ngon, giàu giá trị dinh dưỡng cho thị trường phía Bắc.
Từ 100 triệu khởi nghiệp, giờ HTX Xuyên Việt đã có 300 tỷ, không phải vay vốn ngân hàng |
“Qua nghiên cứu tôi thấy, đây là loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao hơn cả trắm đen, thịt mềm, giàu omega 3. Thị trường Mỹ, EU tiêu thụ nhiều cá tra hẳn có lý do của nó. Vậy tại sao mình không phát triển loài thủy sản này ngay trên đất Bắc để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm tươi cho phù hợp thị hiếu”, Việt lý giải.
Tuy nhiên, cá tra không chịu được khí hậu lạnh, nếu sử dụng cá giống đưa từ trong Nam ra thì chi phí tăng cao, hiệu quả thấp. Do vậy, HTX phải nghiên cứu tự nhân giống cá tra để cá dần thích ứng với điều kiện khí hậu miền Bắc. Hiện, HTX đã có 2 năm kinh nghiệm nuôi cá tra, cung cấp ra thị trường 2.000 tấn cá thương phẩm, được thị trường đón nhận.
Bước tiếp theo của quá trình phát triển là HTX Xuyên Việt đang ấp ủ xây dựng một nhà máy chế biến thủy sản ngay trên đất Gia Lộc. Hiện mọi công đoạn đã hoàn tất, dự kiến một combo sản phẩm chả cá, xúc xích cá, cá rô phi một nắng,... Toàn bộ nội tạng được chế biến thành chế phẩm sinh học phục vụ ao nuôi.
“HTX sẽ tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất con giống cho đến cách tổ chức triển khai sản phẩm, cuối cùng là tới bàn ăn. Chúng tôi có rộng lớn ngay trong nước, có đầu ra ổn định, chất lượng sản phẩm đã được chứng minh nhờ quy trình nuôi khoa học, tuân thủ nghiêm ngặt và áp dụng đúng kỹ thuật nên chắc chắn sản phẩm chế biến của HTX sẽ được đón nhận", Lê Văn Việt tự tin khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Xăng giảm giá
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước