Quảng Ninh: Động lực giảm nghèo từ nuôi gà Tiên Yên
Trồng mít Thái kết hợp nuôi cá cho thu nhập cao / Đồng Tháp: Nuôi "ruồi lính đen", thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng
Những năm trước, Hà Lâu vô cùng khó khăn, toàn đường đất đèo dốc gây trở ngại cho phát triển kinh tế. Nhưng nay, đường sá được làm mới, những ngôi nhà khang trang cũng mọc lên. Đó chính là minh chứng cho sự phát triển của xã.
Gà đỏ đồi
Vùng đất nơi đây nổi tiếng với câu ví “Gái Đầm Hà, gà Tiên Yên”. Và Hà Lâu chính là một trong những cái nôi phát triển giống gà Tiên Yên nổi tiếng khắp trong và ngoài vùng. Xét về điều kiện tự nhiên, Hà Lâu có đất đồi rừng rộng hơn 3000ha, rất thuận lợi cho phát triển gà theo hướng hàng hóa.
Thuận lợi là vậy nhưng khó khăn cũng không ít, bởi nuôi gà để phát triển kinh tế, để thoát nghèo không phải chuyện đơn giản, vì người dân từ trước chỉ quen nuôi nhỏ lẻ, thả rông. Nhận thức về chăn nuôi hàng hóa cũng chưa cao.
Với sự vào cuộc của chính quyền, người dân đã được hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi theo hướng an toàn sinh học. Trong đó, giống gà đồi Tiên Yên là giống bản địa, thịt chắc, thơm và giá trị dinh dưỡng cao được lựa chọn.
Hầu hết những người tham gia mô hình nuôi gà là những hộ nghèo trên địa bàn các thôn. Dù đã chăn nuôi lâu năm nhưng kiến thức về lĩnh vực này rất hạn chế. Vì thế, trước đây đàn vật nuôi của nhiều hộ thường xuyên bị dịch bệnh và chậm lớn do nuôi thả không có sự chăm sóc.
Ðể đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đúng tiêu chí chăn nuôi an toàn sinh học, xã đã cử cán bộ có chuyên môn về thú y đảm nhiệm hỗ trợ các gia đình về cách thức chăn nuôi, làm chuồng trại, tiêm phòng, chống dịch bệnh, trị bệnh… Ðồng thời, thường xuyên mở các buổi họp trao đổi, hướng dẫn các hộ thành viên những nội dung này và tổ chức kiểm tra chéo giữa các hộ để đảm bảo việc thực hiện.
Từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, đàn gà ở Hà Lâu ngày càng tăng. Số lượng đang ở mức hơn 35.000 con. Trên các sườn đồi đã được phủ một màu đỏ của gà. Giờ đây, Hà Lâu là xã đi đầu của huyện Tiên Yên về phát triển chăn nuôi gà theo hướng bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.
Nền tảng giảm nghèo
Để thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, hiện UBND xã đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi thành lập HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà xã Hà Lâu. Khi vào HTX, các hộ thành viên cùng hỗ trợ nhau phát triển sản xuất.
Mọi người không phải tự tìm nguồn mua con giống hay thức ăn chăn nuôi vì đã có HTX liên kết với các doanh nghiệp của huyện tìm đến cung ứng. Điều đó đồng nghĩa với việc các thành viên sẽ được mua con giống, thức ăn chăn nuôi với giá thấp nhất do không phải thông qua trung gian, chất lượng con giống cũng được đảm bảo. Về đầu ra cho sản phẩm, một số tư thương, nhà hàng trên địa bàn huyện cũng đã tìm đến các hộ thành viên HTX để ký hợp đồng thu mua với giá hợp lý. Hiện, mỗi hộ trong HTX đang duy trì đàn gà với số lượng từ 200 con trở lên để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhận thấy vai trò của HTX trong công tác giảm nghèo, xã đã hỗ trợ HTX từ nguồn vốn 135, chương trình nông thôn mới và ngân sách của huyện. Mỗi hộ chăn nuôi từ 200 con trở lên sẽ được hỗ trợ công tác phòng trị bệnh với mức 10.000 đồng/con, hỗ trợ 50% giá giống gà 21 ngày tuổi và được hỗ trợ 2 triệu đồng/chuồng trại 20m2, cứ tăng 10m2 thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng.
Nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng hàng hóa, nhiều hộ dân đã chủ động được kinh tế. Nếu nuôi trong 6 tháng được 3 tạ gà, với giá xuất tại chuồng 120.000 đồng/kg, mỗi hộ thu được 36 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 25 triệu đồng. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số như ở Hà Lâu, đây là nguồn thu lớn giúp giảm nghèo cũng như ổn định cuộc sống.
Cũng nhờ phát triển chăn nuôi gà, trung bình mỗi năm, xã có 20-40 hộ thoát nghèo. Nhiều hộ đã trả được nợ, xây được nhà khang trang...
Hiện, tại Hà Lâu đã có hàng chục trang trại chăn nuôi gà Tiên Yên quy mô lớn. Bà con người Tày, người Dao đã có quyền nghĩ đến thu nhập vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ từ con gà Tiên Yên. Cùng với cây chanh đào và cây ớt chỉ thiên, con gà Tiên Yên đã góp phần khẳng định phương châm phát triển “2 cây, 1 con” của Hà Lâu đang đi đúng hướng và có hiệu quả rõ nét trong công tác giảm nghèo.
Việc thành lập HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển giống gà quý này, nâng cao thu nhập cho người dân mà hơn thế thông qua mô hình này còn từng bước hình thành thói quen sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng tập trung. Đây cũng chính là một quyết tâm mới, nỗ lực mới của huyện Tiên Yên trong việc bảo tồn và phát triển thương hiệu gà của địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo