Thị trường

Hải Dương: Vẫn còn hơn 90.000 tấn nông sản chưa tiêu thụ được

DNVN - Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được; vẫn còn 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.

Điểm tin Covid-19 sáng 7/2: Hải Dương, Gia Lai có thêm 4 ca mới, Bình Dương truy vết người tiếp xúc nhân viên bán gạo / Tin Covid-19 tối 7/2: Hải Dương tăng 16 ca, bác tin đồn sân bay Tân Sơn Nhất có 20 ca dương tính

Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản vùng do Bộ Công Thương chủ trì mới đây thì hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương.

Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu.... Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng… gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Cũng theo Sở Công Thương của tỉnh Hải Dương, hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương đang bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, tính đến ngày 15/2, toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch. Sản lượng thu hoạch dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn lợn sữa (trong đó 80% số nông sản trên để phục vụ xuất khẩu); nhu cầu vật tư, thức ăn đầu vào cho nuôi trồng cũng thiếu…

Tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được; vẫn còn 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.

Vẫn còn hơn 90.000 tấn nông sản chưa tiêu thụ được tại Hải Dương.

Vẫn còn hơn 90.000 tấn nông sản chưa tiêu thụ được tại Hải Dương.

Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, nguyên nhân của việc nông sản Hải Dương bị ùn ứ, không tiêu thụ được chủ yếu là do việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp, như chỉ phục vụ xét nghiệm dịch vụ. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa chấp nhận kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân (TP. Hải Phòng chỉ tiếp nhận kết quả xét nghiệm từ CDC Hải Dương). Một số doanh nghiệp phản ánh, khi làm xét nghiệm tại một số cơ sở y tế tư nhân (Medlactec…) đã không được công nhận...

Các địa phương cũng chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài, hiện các địa phương áp dụng quy trình khác nhau, có nơi cấm hoàn toàn, TP. Hà Nội không cấm người và hàng hóa của tỉnh Hải Dương… nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nông sản…

Thông tin về an toàn y tế của các sản phẩm được sản xuất tại các tỉnh đang có dịch của chính quyền và các cơ quan chuyên môn có liên quan (ngành nông nghiệp và ngành y tế) chưa được đưa ra chính thức, tạo tâm lý e dè của nhà thu mua và người tiêu dùng...

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của tỉnh Hải Dương, những khó khăn vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các địa phương khác vì Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác.

Theo đó, Bộ Công Thương nhận định: Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm