Thị trường

Hai vấn đề quan trọng giúp nông, thủy sản rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc

DNVN - Muốn thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong những năm tới, ngành nông nghiệp cần tập trung giải quyết 2 vấn đề nổi cộm là chất lượng và an toàn thực phẩm.

Việt Nam tham gia hội chợ nông sản hữu cơ lớn nhất thế giới tại Đức / Chờ đợi 'sức bật' mới của xuất khẩu nông sản hữu cơ

Chia sẻ về giải pháp vượt qua các rào cản, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang Trung Quốc, PGS,TS Lê Văn Ái, Học viện Tài chính cho rằng, giải pháp quan trọng là phải phát triển nông sản, thực phẩm hữu cơ (NSTPHC).

Theo PGS,TS Lê Văn Ái, cung cầu nông, thủy sản Việt Nam hiện nay trên thị trường nội địa đang gặp phải vấn đề cung vượt xa cầu dẫn đến giá cả nông thủy sản có chiều hướng giảm sút.

Biện pháp quan trọng để khắc phục sự mất cân đối cung lớn cầu nông thủy sản trên thị trường nội địa ngoài biện pháp cách tân nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam, biện pháp gia tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu được coi là rất quan trọng.

Phát triển sản phẩm hữu cơ để vượt rào cản xuất khẩu nông sản.

Bởi vì, những quy định của Trung Quốc về nhập khẩu nông, thủy sản là những quy định mang tính kinh tế mà bất cứ nước nào muốn bảo vệ người tiêu dùng của nước họ đều phải quy định.

"Muốn thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam qua thị trường Trung Quốc trong những năm tới, ngành nông nghiệp cần tập trung giải quyết 2 vấn đề nổi cộm là chất lượng và an toàn thực phẩm, theo đó, cần tập trung phát triển NSTPHC”, ông Ái nhấn mạnh.

Lý giải điều này, ông Ái cho rằng lợi ích phát triển NSTPHC là đáp ứng nhu cầu và cơ hội của thị trường hội nhập. Đây chính là biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, là xu thế tất yếu phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Phát triển NSTPHC góp phần giảm khí phát thải, giảm ô nhiễm đất, nước, không khí, xây dựng kinh tế xanh và phát huy lợi thế so sánh của nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng thương hiệu, hương vị Việt Nam.

PGS,TS Lê Văn Ái dẫn giải học thuyết Lợi thế so sánh, theo đó, nông nghiệp nhiệt đới, kinh tế biển, du lịch (ẩm thực, sinh thái) là những mũi nhọn kinh tế của Việt Nam. Miền bắc bốn mùa, miền nam hai mùa, kết hợp lại sẽ có những sản phẩm độc đáo “Made in Viet Nam”, “Made by Viet Nam” mang hương vị và thương hiệu đặc sản độc đáo.

Để phát triển NSTPHC nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới, ông Ái khuyến nghị ngành nông nghiệp cần lựa chọn chính xác sản phẩm, quy hoạch xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái thích hợp gắn du lịch và chủ thể tổ chức sản xuất NSTPHC theo hướng hàng hóa.

Cụ thể, hệ thống vườn, ao, chuồng, hệ thống khuyến nông, khuyến công cần tập trung phát triển ba nhóm sản phẩm chính là thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm hữu cơ có thương hiệu cấp quốc gia. Ở các nước phát triển đều có vùng NSTPHC. Vùng và thương hiệu sản phẩm là điều kiện thành công của NSTPHC.

Cần có biện pháp làm cho các sản phẩm NSTPHC chiếm lĩnh trước hết kênh siêu thị và trung tâm thương mại trong nước, sau đó lan tỏa ra kênh chợ truyền thống và xuất khẩu.

Nhân rộng mô hình đội chuyên quản lý chất lượng vùng nguyên liệu, đội bảo vệ thực vật và thú y đã được áp dụng tại Công ty sữa Mộc Châu, Công ty xuất khẩu miền Tây Bến Tre… ra toàn quốc.

Thực hiện “Chiến lược là ba thứ quân” (doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân) và thực hiện chiến thuật thay dần biện pháp hóa học sang biện pháp sinh học nhằm bảo đảm an toàn, sạch, hữu cơ đẩy lùi dần thực phẩm bẩn.

Cùng với đó là xây dựng chính sách ưu tiên cho sản phẩm NSTPHC. Hiện nay chúng ta mới có chính sách cho an toàn/GAP.Vấn đề quan trọng của NSTPHC là khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi các nhà máy NPK, xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ và sản xuất thuốc, chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường theo nguyên tắc đầu tư công tư (PPP) với 2 lực lượng chủ lực là doanh nghiệp và hộ nông dân.

Nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ là phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp (hàng trăm triệu tấn), xử lý rác thải, nước thải nông thôn, đô thị (hàng trăm triệu tấn). Từng bước phát triển nuôi rong, tảo ven biển… làm nguồn hữu cơ.

Cần có chính sách xây dựng hệ thống canh tác từng sản phẩm, từng cây, con, từng vùng tin cậy, nhập giống và công nghệ hiệu quả; xây dựng hệ thống chứng nhận minh bạch, hệ thống thương mại theo chuỗi hợp lý.

Ngoài ra, cần hoàn thiện quy tắc định chuẩn cho sản phẩm bằng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quản lý NSTPHC, xây dựng Bộ giáo trình quy chuẩn và hàng rào kỹ thuật là “cầu chì” ngăn nhập nông sản, thực phẩm bẩn, MLR (giới hạn tối đa cho phép), SPS (tách rõ động vật và thực vật trên cạn và dưới nước), 3R (giảm thiểu Reduce/ tái sử dụng Reuse/ tái chế Recycle)… đơn giản, dễ hiểu phổ cập cho tổ chức, cá nhân.

“Vạch phát triển mới của ngành nông nghiệp đòi hỏi phải thay đổi tư duy tăng trưởng cân bằng với tư duy phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp. Xây dựng hệ thống canh tác nâng cao năng suất lao động và văn hóa thẩm mỹ. Nâng cao hàm lượng là khoa học công nghệ và chế biến, đồng thời, nâng cao giá trị an toàn và dinh dưỡng trong sản phẩm nông sản thực phẩm”, ông Ái nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm