Hàng hoá nhích theo giá xăng dầu
Hà Nội điều tra, xây dựng bảng giá đất mới / TP Hồ Chí Minh: Hàng Việt đã chiếm 72% trong hệ thống siêu thị
Liên quan đến giá xăng tăng cao thời gian gần đây, đại diện các chợ đầu mối tại TP HCM cho biết tình hình kinh doanh của các tiểu thương đã bắt đầu bị ảnh hưởng do giá cước vận tải tăng theo giá nhiên liệu. Tuy nhiên, do tiêu thụ hàng hoá ở các chợ đang thấp, nếu tăng giá các mặt hàng thời điểm này sẽ rất khó bán. Do đó, tiểu thương chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá. Tuy nhiên, sức mua vẫn thấp. Chẳng hạn tại chợ đầu mối Thủ Đức trước đây mỗi ngày tiêu thụ từ 3.700-3.800 tấn rau, củ quả các loại, nay giảm còn 3.000-3.100 tấn.
Trong khi đó, tại các chợ lẻ, giá nhiều mặt hàng rau củ, thủy hải sản đã bắt đầu nhích nhẹ vài trăm đồng cho đến ngàn đồng/kg. Bà Huệ buôn bán rau củ tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, lý giải do đợt tăng xăng dầu lần trước và lần này khá cao kéo chi phí vận chuyển rau củ từ chợ đầu mối về chợ lẻ tăng lên gần trăm ngàn đồng/chuyến nên buộc phải tăng giá bán theo. "Chưa kể mối lái ở chợ đầu mối cũng đòi tăng giá vì phí vận chuyển rau củ từ Đà Lạt về cũng tăng theo xăng dầu" - bà Huệ giải thích.
Giá rau củ ở chợ lẻ tăng nhẹ theo giá xăng dầu
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Hoàng Chi, Giám đốc Công ty vận tải Tâm An (TP HCM), thừa nhận giá nhiên liệu tăng mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà xe. Mỗi chuyến xe đường dài từ TP HCM đi các tỉnh miền Trung phải tốn thêm khoảng 1 triệu đồng tiền dầu. Do đó, một số nhà xe cũng đang tính đến chuyện điều chỉnh cước vận chuyển. Cụ thể, ông Trần Minh Thiên, chủ doanh nghiệp vận tải Thành Đạt, cho biết hãng xe của ông vừa tăng cước thêm 5%-10%.
Tuy nhiên việc tăng cước vận tải thời điểm này chỉ là số ít, còn lại đa số doanh nghiệp vận tải đều đang "nghe ngóng" các đối thủ tăng giảm thế nào mới tính tiếp vì lĩnh vực này cạnh tranh rất gay gắt, nếu đơn phương tăng giá sẽ rất dễ mất khách, thua lỗ.
Với các DN vận tải hàng khách, việc điều chỉnh cước có phần dễ hơn do sắp bước vào kỳ nghỉ lễ 30-4, DN có thể lợi dụng tăng giá đợt này sẽ ít bị người tiêu dùng phàn nàn vì "lễ mà".
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, chủ doanh nghiệp cho thuê xe du lịch tại khu vực quận 5, TP HCM, giá xăng dầu tăng cao đương nhiên DN phải điều chỉnh giá cho thuê xe nhưng chưa thể tăng ngay vì chỉ còn vài ngày nữa là vào dịp lễ 30-4 và du lịch hè. Theo giới kinh doanh xe khách và xe du lịch, thông thường vào dịp lễ, giá vé xe khách và giá thuê xe sẽ tăng từ 30%-50% nhưng do giá xăng dầu vừa tăng kép nên các hãng sẽ chủ động tăng 35%-55% vào dịp lễ sắp tới, sau đó giảm trở lại nhưng vẫn cao hơn trước khoảng 5%-10%.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng giá xăng dầu tăng đã tạo gánh nặng cho các hãng taxi, nhất là thu nhập tài xế sẽ bị giảm. Đúng ra hãng phải điều chỉnh cước taxi nhưng do cạnh tranh hiện nay quá khốc liệt nên phải cố gắng chịu đựng. Ngoài ra, việc điều chỉnh cước cũng không phải dễ do phải xin phép, rồi phải mang xe đi kiểm định, điều chỉnh cách tính trên đồng hồ với chi phí 110.000 đồng/xe, chưa kể phải nghỉ một ngày để thực hiện công đoạn này.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Văn Tài, tài xế taxi truyền thống tại TP HCM, than thở hai đợt tăng giá xăng vừa qua làm ông tốn thêm cả trăm ngàn đồng mỗi ngày, trong khi mức cước vẫn giữ nguyên khiến thu nhập của ông bị hao hụt đáng kể, tính ra mỗi tháng giảm tới hơn 3 triệu đồng. Tương tự, ông Liêm chạy xe ôm công nghệ của hãng Grab, cho biết bình thường chạy 70.000 đồng chi phí xăng/ngày, nay phải tăng lên trên 80.000 đồng ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo