Thị trường

Hàng Việt giữa thời FTA

Hiện nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam như: dệt may, nông sản, thực phẩm, gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu… đang bước vào giai đoạn cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu về mức thuế theo tiến trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA).

CPTPP là điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt-Nhật / Ứng dụng công nghệ cao để nâng sức cạnh tranh

Các sản phẩm gỗ xuất khẩu là mặt hàng chủ lực của Đồng Nai trong xu thế FTA Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Hoài Phú Long (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: H.Quân
Các sản phẩm gỗ xuất khẩu là mặt hàng chủ lực của Đồng Nai trong xu thế FTA Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Hoài Phú Long (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: H.Quân.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất những mặt hàng này cần có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh thời hội nhập, đặc biệt là đối với lộ trình giảm thuế của các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…

* Nhiều mặt hàng được giảm thuế về 0%

Theo Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh, các FTA thế hệ mới (đặc biệt với CPTPP, EVFTA) sẽ tác động trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp và đều có điều khoản cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan. Hầu như các mức thuế được đưa về 0%, có loại hàng hóa mức thuế về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, có loại mức thuế được áp dụng theo lộ trình của nước tham gia ký kết.

Đối với các sản phẩm nông nghiệp, trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, các nước thành viên cắt giảm hơn 48% dòng thuế nông nghiệp về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và đạt mức hơn 60% sau 10 năm; riêng Australia, New Zealand và Singapore thì hầu hết các dòng thuế nông sản về 0% ngay năm đầu tiên. Các thị trường đã có FTA với Việt Nam gồm: Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, hầu hết các dòng thuế cũng sẽ giảm sâu về 0% trong thời gian ngắn.

Đối với EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế (tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

 

Cà phê được đánh giá là mặt hàng có lợi thế cạnh tranh tốt của Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm cà phê của Việt Nam tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Cà phê được đánh giá là mặt hàng có lợi thế cạnh tranh tốt của Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm cà phê của Việt Nam tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sẽ được EU xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực như: thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), các loại gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Một số sản phẩm nông nghiệp của EU sẽ không xóa bỏ thuế quan nhưng EU sẽ dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như: bắp ngọt, tỏi, nấm, đường và sản phẩm có chứa đường, tinh bột sắn.

* Mở ra cơ hội lớn cho hàng Việt

Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế VCCI chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, khi tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt với CPTPP, EVFTA, các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, tùy từng ngành, cơ hội này là khác nhau. Các mặt hàng trái cây, thủy sản, đồ gỗ và lâm sản có lợi thế cạnh tranh rất cao.

Tiếp đến là một số sản phẩm khác cũng có lợi thế cạnh tranh tốt như: hồ tiêu, điều, cà phê. Ngược lại, đối với những sản phẩm chăn nuôi như sản phẩm thực phẩm: thịt bò, thịt gà..., Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt, thậm chí ngay chính trên “sân nhà”.

Theo ông Đào Văn Cường, đại diện Công ty TNHH chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy (TP.Biên Hòa), để cạnh tranh với các sản phẩm thịt nhập khẩu “đổ bộ” thị trường trong nước khi các FTA có hiệu lực, công ty sẽ xây dựng kế hoạch phát triển dựa trên việc đảm bảo nguồn nguyên liệu, công nghệ chăn nuôi, giết mổ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo hướng hội nhập, cũng như đảm bảo kết nối các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm.

 

Theo Sở Công thương, khi CPTPP có hiệu lực, những mặt hàng như nhựa và sản phẩm nhựa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, giấy, đồ gỗ, máy móc, thiết bị, dệt may phần lớn miễn giảm mức thuế nhập khẩu xuống 0%... Tương tự, đối với EVFTA, phần lớn các dòng thuế đối với sản phẩm dệt may, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê, máy vi tính và các sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử… sẽ giảm về 0% khi hiệp định này có hiệu lực.

Đồng Nai là một trong các tỉnh xuất khẩu đứng đầu của cả nước với tỉ trọng chiếm khoảng 7,8% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong năm 2018, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đồng Nai là: giày dép (đạt 3,67 tỷ USD, chiếm 22,65% cả nước); dệt may (đạt 1,97 tỷ USD, chiếm 6,4% cả nước), xơ sợi (đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 37,5% cả nước); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (đạt 1,44 tỷ USD, chiếm 8,72% cả nước); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 15,6% cả nước), cà phê (đạt 0,37 tỷ USD, chiếm 10,4% cả nước), hạt điều (đạt 0,32 tỷ USD, chiếm 9,5% cả nước).

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho hay, trong số các mặt hàng trên thì các sản phẩm chủ lực của Đồng Nai như: cà phê, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ… sẽ được hưởng lợi từ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu từ các thị trường trong CPTPP và EVFTA.

* Tồn tại nhiều thách thức

Theo báo cáo của VCCI, trong số doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Xét về tổng thể, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, hiện nay cả nước có tới 96% doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Theo nhiều chuyên gia, với năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, thì những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa lại đang đặt ra thách thức và mối lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là đối với những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Mặc dù hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng được dỡ bỏ, song việc có tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường hay không lại phụ thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, cũng như các yêu cầu khác (an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ...) của các doanh nghiệp.

Ông Bùi Mạnh Hùng chia sẻ thêm, chi phí sản xuất cao do không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào dẫn đến giá thành sản phẩm cao, mẫu mã chưa đa dạng, chưa làm tốt việc xây dựng thương hiệu… dẫn đến hàng hóa khó cạnh tranh được với nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước thành viên CPTPP, EU vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn sẽ tác động đến lĩnh vực sản xuất trong nước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân trong nước đứng trước sự cạnh tranh gay gắt trong thời buổi hội nhập, trong khi đó hàng hóa, nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất trong hội nhập.

Tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng thế mạnh của Đồng Nai so với cả nước trong năm 2018 (nguồn: Sở Công thương). (Đồ họa: Hải Quân)
Tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng thế mạnh của Đồng Nai so với cả nước trong năm 2018 (nguồn: Sở Công thương). (Đồ họa: Hải Quân)

Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) chia sẻ, việc đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ đòi hỏi nguồn vốn lớn, kỹ thuật hiện đại. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho nhiều doanh nghiệp địa phương. Nếu “chậm chân” trong việc đổi mới công nghệ, hoạch định chiến lược phát triển phù hợp thì khi bước vào sân chơi hội nhập, sòng phẳng về thuế quan, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương đứng trước nguy cơ “đánh mất” các vùng nguyên liệu vào tay các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn và công nghệ mạnh.

Ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai nhận định, nhiều doanh nghiệp ở địa phương hiện vẫn yếu và thiếu thông tin hàng rào kỹ thuật đối với các FTA. Hơn thế nữa, hạn chế lớn của phần lớn các doanh nghiệp ở Đồng Nai hiện nay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu chiến lược phát triển dài hơi trong hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức “làm được đến đâu tính đến đó”.

 

Đơn cử, hiện nay Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển quy mô sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong lĩnh vực này vẫn còn sản xuất manh mún, chưa có nhiều điều kiện để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi “chào hàng” ở nước ngoài thì được họ đánh giá cao và muốn mua nhưng lại không có đủ sản phẩm đạt chuẩn để bán hoặc chỉ xuất khẩu một vài container nhỏ lẻ, chưa có tính lâu dài, bền vững.

Ông Lục Văn Thủy cho hay, đối với yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA, nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là nguồn nguyên liệu sản xuất hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại. Ví dụ, EU là một trong những thị trường thường sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa của họ. Do đó, các doanh nghiệp trong nước nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ về vấn đề này thì sẽ bị lúng túng về mặt pháp lý.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm