Thị trường

Hậu Covid-19: Du lịch nội địa cần có phương án kích cầu ngay sau mùa cao điểm

DNVN - Du lịch quốc tế sẽ khó phục hồi trong năm 2020 do dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp. Vậy du lịch nội địa cần có phương án nào để phục hồi ngành công nghiệp không khói vào cuối năm, khi hết mùa cao điểm du lịch trong mấy tháng hè.

Gần 500 doanh nghiệp tham gia kích cầu tiêu dùng năm 2020 / Đà Nẵng: 150 gian hàng tham gia Hội chợ Nông nghiệp Hòa Vang 2020 – Hội chợ đầu tiên sau đại dịch Covid-19

Trong hai tháng 5 và 6, du lịch nội địa mang lại nhiều tín hiệu khả quan. Với các chương trình kích cầu du lịch, dường như mọi người đều sẵn sàng xếp vali lên đường để giải cứu du lịch nước nhà. Sảnh quốc nội sân bay Nội Bài trở lại đông đúc dự báo, những chuyến bay lấp đầy khách và tần suất chuyến bay tăng dần. Đa số đều lạc quan và kỳ vọng nền công nghiệp không khói sẽ sớm phục hồi. Hàng năm, tháng 6 và tháng 7 sẽ là tháng đông khách du lịch nhất trong mùa hè. Tất cả dường như đều rất hoan hỉ nhưng trong bối cảnh dịch Covid–19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, khả năng du lịch Việt Nam duy trì được sự phục hồi trong những tháng cuối năm vẫn là câu hỏi lớn.

Ngay từ cuối tháng 4, sau khi kiểm soát được dịch Covid–19, Việt Nam đã nhanh chóng bước vào trạng thái “bình thường mới”. Trong dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, các công ty du lịch đã tích cực hợp tác với các hãng hàng không, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng để đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc. Có thể nói rằng, dưới tác động của các biện pháp kích cầu: “Du lịch chưa bao giờ rẻ đến thế’! Những điểm đến khá đắt đỏ từ trước tới nay như Phú Quốc, Côn Đảo hay những khu nghỉ dưỡng 5 sao thường chỉ có khách nước ngoài thì nay được lấp đầy suốt tuần bởi khách trong nước. Nhiều khách sạn cho biết họ đã kín phòng trong tất cả các ngày cuối tuần trong tháng 7. Du thuyền Hạ Long, một trong những sản phẩm khá kén khách Việt do chi phí và hành trình, từ trước tới nay chỉ có lác đác khách Việt Nam thì hầu hết đều được xuất bến. Các nhà xe hoạt động trở lại với công suất khoảng 60–70% sau thời gian hơn 2 tháng nằm im tại bến. Đây là một tín hiệu rất lạc quan đối với ngành du lịch sau thời gian đóng băng vì dịch Covid–19.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người trong ngành du lịch, mùa cao điểm du lịch thường khá ngắn và trùng với 3 tháng hè khi học sinh được nghỉ học. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid–19, học sinh sẽ phải học bù đến ngày 15/7/2020. Vì vậy, thời gian cao điểm du lịch của năm nay sẽ chỉ kéo dài từ giữa tháng 7 tới cuối tháng 8. Vậy, nếu chỉ trông chờ vào du lịch nội địa, sự phục hồi của ngành du lịch liệu có duy trì được hay không?

Theo một thống kê chưa đầy đủ, du lịch nội địa chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 30% trong khối lượng toàn ngành, và tập trung ở những vùng du lịch biển và hạn chế ở một số vùng núi, ví dụ như Sapa hay Hà Giang. Khác với những khu du lịch gần như chỉ dành riêng cho khách Việt như Sầm Sơn, Cửa Lò, các khách sạn ven biển ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, nơi khách quốc tế mang lại nguồn thu chính và giúp mùa du lịch kéo dài suốt năm, đang lo lắng rằng họ sẽ làm gì vào những tháng tiếp theo, làm thế nào để có khách, nên duy trì mở cửa, hoạt động cầm chừng hay đóng cửa trở lại để cắt giảm chi phí hoạt động.

Du lịch Việt Nam mùa cao điểm thường vào mấy tháng hè, khi học sinh được nghỉ học.

Du lịch Việt Nam mùa cao điểm thường vào mấy tháng hè, khi học sinh được nghỉ học.

Tình hình còn ảm đạm hơn ở các thành phố du lịch như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh. Chỉ cần dạo quanh phố cổ ở Hà Nội hay trung tâm Quận 1, không khó để nhận ra nhiều các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm mà nguồn sống phụ thuộc hoàn toàn vào khách nước ngoài vẫn đang đóng cửa, trả mặt bằng và không biết có thể quay trở lại hay không? Hàng nghìn nhân sự trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch vẫn đang cố gắng xoay xở để tiếp tục bám trụ với nghề. Tuy nhiên, vào thời điểm này, họ khó có thể thấy được tương lai tương sáng khi nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn đang rất dè dặt trong việc mở cửa thông thương quốc tế, lúng túng trong việc đưa ra các chính sách, quy định về việc nhập cảnh và cách ly.

Theo thông báo mới nhất, các chuyến bay thương mại sẽ không thể cất cánh trước ngày 16/9 và có thể tiếp tục lùi lại tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh trên thế giới. Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra quyết định sẽ chưa bàn tới việc đón khách du lịch trở lại. Với những kịch bản lạc quan thì du lịch quốc tế chỉ có thể có cơ hội trở lại vào đầu năm 2021, hoặc bi quan hơn thì phải vào Quý 2 năm 2021 và cũng không ai có thể nói trước được điều gì khi chưa có vacxin hoặc thuốc đặc trị chữa Covid-19. Không giống những ngành khác, ngay cả khi các chuyến bay trở lại, việc mở cửa thuận lợi thì tác động của suy thoái kinh tế sẽ là một tác động phải tính đến, cùng với việc thay đổi thói quen chi tiêu của khách hàng, không còn quỹ dự trữ 30% trong đó một phần dành cho du lịch, thì việc khách hàng sẵn sàng mở hầu bao để đi du lịch cũng sẽ cần một thời gian dài tiếp theo. Suy thoái kinh tế càng nặng nề thì khách du lịch ở những thị trường như châu Âu, châu Mỹ càng khó có khả năng chi trả để tới với khu vực Đông Nam Á và mức độ chi trả cũng vì thế mà giảm xuống, thay vì dịch vụ sang trọng có thể họ chỉ tiêu dùng dịch vụ cơ bản, cùng với quy mô thời gian du lịch có thể cũng thay đổi. Những vấn đề này hiện khó có thể dự báo được một cách chính xác.

Vấn đề ‘giải cứu’ du lịch và các ngành dịch vụ liên quan như thế nào, cần một kế hoạch tỉ chi tiết và hành động đồng bộ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều lợi thế ở thời điểm này vì trong thời điểm hiện nay Việt Nam được coi là một trong những điểm đến sẽ được khuyến khích ghé thăm bởi sự an toàn sau dịch bệnh.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo