Hết quý III, chỉ số CPI tăng 3,57% so với đầu năm
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, Việt Nam hưởng lợi điều gì? / 14 triệu khách hàng sử dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam
Bình quân 9 tháng đầu năm CPI biến động theo hướng tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 3,97% trong tháng 9/2018, đặc biệt tăng nhanh ở tháng 6 và tháng 7/2018 lần lượt là 4,67% và 4,46% so cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,35% so với tháng trước. Từ tháng 8/2018 đến tháng 9/2018 tốc độ CPI bình quân đã tăng chậm lại từ 3,53% (bình quân 8 tháng) lên mức 3,57% (bình quân 9 tháng) chỉ tăng 0,04% do mặt bằng giá tháng 8 và tháng 9 năm 2017 ở mức cao.
Qua diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và sự chủ động của các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát giá cả nên việc kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao có thể đạt được. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình quốc tế còn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường như cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông, khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nên có thể ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước các tháng cuối năm. Do đó, các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả, kịp thời đề xuất các giải pháp cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì họp báo.Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân gây tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2018 là do giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức khung tối đa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 18,26% làm cho CPI 9 tháng đầu năm 2018 tăng khoảng 0,71% so với cùng kỳ năm trước.
Hơn nữa, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục 9 tháng đầu năm 2018 tăng 7,02% so với cùng kỳ, tác động làm cho CPI 9 tháng đầu năm 2018 tăng khoảng 0,36% so với cùng kỳ.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1/1/2018 mức lương cơ sở tăng 90.000 đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2018 theo Nghị quyết số 49/2017/QH17 của Quốc hội ngày 13/11/2017 nên giá một số loại dịch vụ như: Dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ sửa chữa, lắp đặt điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 2% - 8% so với cùng kỳ năm trước.
Giá các mặt hàng lương thực tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 0,18% do giá gạo tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và tăng theo giá gạo xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng do nhu cầu gạo tăng từ thị trường Trung Quốc và thị trường các nước Đông Nam Á.
Trong 9 tháng đầu năm 2018 giá thịt lợn tăng 13,51% so với tháng 12 năm 2017 và tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 0,23% so với cùng kỳ năm trước.
Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao trong dịp Tết và dịp hè do nhu cầu tăng, bình quân 9 tháng đầu năm 2018 chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng khoảng 1,38% và 1,38% so với cùng kỳ năm 2017.
Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,28% do một số đơn vị vận tải hành khách kê khai tăng giá chiều đông khách, cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé tàu hỏa vào dịp Tết Nguyên đán và dịp hè.
Giá gas sinh hoạt được điều chỉnh theo giá gas thế giới, 9 tháng đầu năm 2018 giá gas tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 0,12% do nhu cầu xây dựng tăng cùng với việc giá thép Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua do đóng cửa hàng loạt các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm, Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump đã áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước đồng minh chủ chốt trong các nước G7, đó là Canada, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ngày 21/5/2018 Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá (AD) 199,76% và chống trợ giá (CVD) 256,44% đối với loại thép cán nguội được nhập từ Việt Nam nhưng sử dụng vật liệu từTrung Quốc, giá xi măng tăng do giá đầu vào tăng cao… Ngoài ra, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng khá mạnh, bình quân giá dầu Brent từ thời điểm 1/1/2018 đến thời điểm 15/9/2018 ở mức 72,49 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 52,5 USD/thùng của bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 38,08%. Trong nước, giá xăng A5 được điều chỉnh 8 đợt tăng, 3 đợt giảm, tổng cộng tăng 2.440 đồng/lít; giá dầu diezel được điều chỉnh tăng 10 đợt và giảm 4 đợt, tổng tăng 2.960 đ/lít, làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 15,57% so với cùng kỳ góp phần tăng CPI chung 0,69%.
Ở chiều ngược lại, các yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI là giá dịch vụ y tế điều chỉnh giảm theo Thông tư số 15/2018/TT/BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, theo đó chỉ số giá dịch vụ y tế tháng 7/2018 giảm 7,58% góp phần giảm CPI chung 0,29%.
Ngoài ra, thực hiện hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 đặt ra dưới 4%. Theo đó, các ngành, các cấp đã và đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Ngành Công Thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết; Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã tăng lãi suất ba lần vào tháng 3/2018, tháng 6/2018 và tháng 9/2018 khiến đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác, đồng nhân dân tệ mất giá khoảng 5,3% so với đồng đô la Mỹ, tỷ giá VND/USD cũng biến động theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, với phương thức điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm với 8 đồng tiền chủ chốt, nên giá đồng USD trong nước vẫn dao động trong biên độ 3%. Giá vàng trong nước biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thần Tài nhưng không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế - xã hội.
Cơ quan Thống kê cũng tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2018 tăng 0,59% so với tháng trước. So với tháng trước, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá gồm: nhóm giáo dục tăng 5,07%; giao thông tăng 0,82%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,2%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,11%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,08%.
Tổng cục Thống kê cũng tính toán lạm phát cơ bản trong tháng 9 (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9 năm 2018 tăng 0,14% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ tăng 1,41%.
Bình quân 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên. Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,18% đến 1,61%, bình quân 9 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,41% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam