Thị trường

Hiệu quả từ mô hình thanh niên khởi nghiệp xanh

Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp Khánh Sơn tại huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, không chỉ tiên phong tìm đầu ra cho nông sản của doanh nghiệp mà còn hỗ trợ bao tiêu sản phẩm do chính thanh niên địa phương sản xuất.

Có xuất khẩu gạo hay không còn chờ đánh giá lại số liệu / Thịt lợn Nga ồ ạt về Việt Nam, ép giá hàng trong nước

Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp Khánh Sơn thành lập năm 2017, với 5 thành viên do anh Huỳnh Mazsa (sinh năm 1985) trú tại xã Sơn Lâm, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa làm tổ trưởng. Các thành viên có cùng chung chí hướng làm nông nghiệp xanh, sạch và đây cũng là tiêu chí hàng đầu của tổ hợp tác mỗi khi kết nạp thêm thành viên mới. Tổ hợp tác sản xuất đa dạng nhiều loại hình nông nghiệp, kinh doanh các ngành nghề khác nhau như: Rau sạch, cây ăn trái, nấm, cơ khí, chăn nuôi…
Để tạo niềm tin và động lực cho người dân địa phương, các thành viên trong Tổ hợp tác đã tự lấy chính mô hình của mình làm mẫu cho hiệu quả tốt. Ví như anh Huỳnh Mazsa đã thử nghiệm ngay trên mô hình của gia đình với diện tích 3 ha cây ăn trái, cho thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng.
Anh Huỳnh Mazsa với mặt hàng nông sản nổi tiếng của huyện miền núi Khánh Sơn.

Anh Huỳnh Mazsa với mặt hàng nông sản nổi tiếng của huyện miền núi Khánh Sơn.

Chia sẻ về định hướng của Tổ hợp tác, anh Huỳnh Mazsa cho biết, hiện nay, đa phần người dân chủ yếu trồng trọt theo hướng truyền thống là sử dụng phân, thuốc hóa học. Việc trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ dù có phần tốn kém chi phí hơn nhưng lợi ích là tăng chất lượng quả, đồng thời mang lại sức khỏe cho người trồng và người sử dụng. Do vậy, trong các mô hình nông nghiệp của Tổ hợp tác, anh Huỳnh Mazsa khuyến khích mọi người không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học mà chuyển sang dùng phân bón vi sinh, phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học, hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe người chăm sóc lẫn người sử dụng.
Anh Huỳnh Mazsa cho biết, các thành viên trong Tổ hợp tác hỗ trợ nhau về kỹ thuật trồng trọt, canh tác. Ở cương vị Tổ trưởng, anh còn là người chịu trách nhiệm chính trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sạch của các thành viên. Những năm qua, anh đến các vườn khác của người dân có trồng cây trái theo hướng hữu cơ và ký kết thu mua nhiều sản phẩm như: cây ăn trái, khoai, mì (sắn), chuối... Tuy số tiền Tổ hợp tác thu về chưa nhiều nhưng đó là nỗ lực rất lớn để thay đổi nhận thức của thanh niên và người dân ở huyện miền núi trong việc làm kinh tế xanh, sạch.
Không dừng lại ở đây, Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp Khánh Sơn còn quyết tâm đưa thương hiệu nông sản Khánh Sơn đến với người dân trên địa bàn Nha Trang cũng như trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện anh Huỳnh Mazsa đã mở một gian hàng nhỏ bày bán các mặt hàng nông sản của Khánh Sơn tại số nhà 39 Võ Trứ, thành phố Nha Trang.
Tuy nhiên, hiện nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Tổ hợp tác. Các dự định, kế hoạch tiêu thụ và mở rộng thị trường của anh đều phải hoãn lại.
“Ảnh hưởng của tình hình dịch bện rất lớn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để các thành viên trong Tổ hợp tác duy trì mô hình đang thực hiện", anh Huynh Mazsa nói.
Anh Nguyễn Khắc Duy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Khánh Hòa cho biết, Tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp Khánh Sơn là mô hình hoạt động hiệu quả. Ngoài hợp tác cùng sản xuất sản phẩm sạch, Tổ hợp tác còn đảm bảo việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Đây là điều chưa có tổ hợp tác thanh niên nào trên địa bàn làm được.
Ngoài ra, tại Tổ hợp tác cũng đã thành lập Chi đoàn kinh tế tư nhân, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng vì ngay trong một doanh nghiệp nhỏ đã thành lập được tổ chức Đoàn. Từ đó, có chính sách hỗ trợ để các mô hình thanh niên hoạt động hiệu quả hơn.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm