Hình thành chuỗi liên kết chế biến gỗ - Cơ hội phát triển bền vững
Tăng trưởng không ngừng
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chưa bao giờ ngành công nghiệp của Việt Nam lại hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi như hiện nay. Đó là lý do, xuất khẩu gỗ những năm gần đây không ngừng tăng lên. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8/2019 đạt 935,17 triệu USD, tăng 8,2% so với tháng trước và 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 671,13 triệu USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 21% so với cùng kỳ 2018.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 6,61 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ 2018, trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ 2018. Cũng trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Đài Loan tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ 2018.
Mặc dù tăng trưởng khá ấn tượng trong những năm gần đây, song điểm hạn chế của ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện nay là thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến gỗ. Đó là lý do, nhiều DN gỗ cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu, cản trở sự phát triển của DN nói riêng và ngành gỗ Việt Nam nói chung.
Là một DN gỗ lớn nhất tại tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) có quy mô 550 công nhân viên, diện tích nhà máy rộng 40ha, năng lực sản xuất 200.000m3/năm, song ông Võ Quang Hà – Tổng giám đốc TAVICO, và thành viên củaBan chấp hành Hiệp hội Gỗ tỉnh Đồng Nai - cho rằng: TAVICO nói riêng và các DN thuộc Hiệp hội Gỗ tỉnh Đồng Nai nói chung đang bị kìm hãm vì thiếu sự liên kết sản xuất và tiêu thụ với các DN, hiệp hội gỗ trong nước.
Tương tự, đại diện Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cũng cho biết, thiếu sự liên kết là lý do sản phẩm gỗ của làng nghề không cạnh tranh được với những sản phẩm nhập khẩu.
Để ngành gỗ phát triển bền vững
Chỉ thị 08/CT-TTg của Chính phủ ban hành tháng 3/2019 đưa ra mục tiêu, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 đạt 11 tỷ USD; 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc hình thành chuỗi liên kết chế biến gỗ là yêu cầu cấp thiết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Quang Hà cho rằng, xuất khẩu gỗ của Việt Nam những năm gần đây không ngừng tăng, cộng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo cơ hội tốt cho ngành gỗ trong nước phát triển, tận dụng cơ hội để xuất khẩu. Nhưng bên cạnh cơ hội, thách thức lớn nhất của các DN gỗ hiện nay là thiếu sự liên kết với nhau, hay nói cách khác vẫn phát triển theo hướng “mạnh ai nấy làm”.
Để tận dụng lợi thế ngành gỗ Việt Nam, cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều DN nước ngoài đang có ý định đầu tư vào Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu. Nếu vẫn tiếp tục mô hình hoạt động đơn lẻ, thiếu sự liên kết, các DN Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với những DN có vốn đầu tư nước ngoài, ngành gỗ của Việt Nam sẽ khó tạo được đột phá – ông Võ Quang Hà nhấn mạnh.
Để gỡ nút thắt thiếu liên kết trong ngành gỗ, ông Võ Quang Hà đề xuất, cần thúc đẩy liên kết theo chiều dọc và chiều ngang cho ngành gỗ Việt Nam. Trong đó, theo chiều dọc là thúc đẩy liên kết từ khâu trồng rừng, đến chế biến và khai thác gỗ, hoàn thiện sản phẩm và tìm kiếm thị trường. Liên kết ngang là các hiệp hội DN hỗ trong nước cần đẩy mạnh các hoạt động, liên kết lại với nhau, thể hiện rõ vai trò của mình với các DN thành viên, trong đó bao gồm cả việc làm việc với cơ quan chức năng, đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho ngành gỗ phát triển…
Bên cạnh đẩy mạnh liên kết, ông Võ Quang Hà cũng cho rằng, việc đánh thuế nhập khẩu 20% đối với DN gỗ nhập khẩu nguyên liệu đang gây khó khăn cho ngành gỗ trong nước, điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, hoạt động của DN, mà còn tạo cơ hội cho các DN gỗ nước ngoài qua Việt Nam mở xưởng sản xuất và thâu tóm thị trường, tận dụng các cơ hội và các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để xuất khẩu.
Đẩy mạnh liên kết giữa các DN, hiệp hội gỗ trong nước, đồng thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho ngành gỗ phát triển, có như vậy mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025 của Chính phủ mới trở thành hiện thực.
Được thành lập từ năm 2005, TAVICO hiện trở thành nhà cung cấp gỗ cứng (hardwood) hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh nhà máy chính đặt tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai), công ty còn có các chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh; TP. Hải Phòng… nhằm thực hiện tốt sứ mệnh “tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định và hiệu quả cho khách hàng”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu