Thị trường

Hình thành kênh trái phiếu cho doanh nghiệp: Mục tiêu xa vời

DNVN - Tại hội thảo chuyên đề Khơi thông dòng vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội diễn ra vào ngày 02/5 tại Hà Nội, chủ đề "Khơi thông tín dụng trung - dài hạn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam" đã thu hút nhiều sự quan tâm của các diễn giả và đại biểu.

Yếu tố mấu chốt để Việt Nam tăng tốc trong cuộc cách mạng 4.0 / Thủ tướng: Cần tìm cách kích hoạt tốt hơn đối với khu vực kinh tế tư nhân

Với vai trò điều phối phiên hiến kế, ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV đặt câu hỏi về sự mất cân bằng thị trường tín dụng và thị trường vốn. Trả lời câu hỏi này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn khoảng 50,6% tổng dư nợ tín dụng. Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra 3 lý do chính. Thứ nhất, phía doanh nghiệp chưa có báo cáo kế hoạch kinh doanh dài hạn, việc quen thói quen sử dụng vốn dài hạn và xây dựng các kế hoạch phát triển dài hạn. doanh nghiệp chưa có kế hoạch dẫn đến ảnh hưởng lâu dài.
Thứ hai, doanh nghiệp còn ngại công bố thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa được rõ ràng, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Thứ ba, chưa đáp ứng được điều kiện phát hành trái phiếu, thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp mang tính lâu dài, tính thanh khoản của trái phiếu chưa cao, chưa có các tổ chức xếp hạng tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư... Thông tin chưa được minh bạch, công khai, chỉ tập trung vào trái phiếu chính phủ, bảo lãnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, giải pháp giải quyết nguyên nhân là rà soát, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hiện đại hóa công nghệ thông tin, sớm hình thành công ty xếp hạng tín nghiệm đủ năng lực. Về phía doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, có kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn, có lộ trình đủ lớn, tập trung vào phát triển vốn thông qua phát hành trái phiếu...
Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam nhận định, sự thay đổi của thị trường chứng khoán là tích cực, từ năng lực doanh nghiệp đến nhà đầu tư.
Toàn cảnh Phiên hiến kế về tài chính - Tín dụng. (Ảnh: VNE)

Toàn cảnh Phiên hiến kế về tài chính - Tín dụng. (Ảnh: VNE)

Tuy nhiên, ông cho rằng, việc hình thành kênh trái phiếu cho doanh nghiệp là mục tiêu xa vời. Lý giải cho nhận định này, ông Quỳnh cho biết, các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải đạt mực độ tín nhiệm nhất định cũng như trình độ phát triển tốt. Thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng yêu cầu này.
Một trong những điều kiện doanh nghiệp định hướng nhiều nhất là cơ chế phát hành. "Tư duy xây dựng luật trái phiếu dường như đang đi theo mô hình phát hành cổ phiếu. Việt Nam đang áp điều kiện quá chặt với doanh nghiệp", ông Quỳnh nói.
Theo ông, điều quan trọng nhất là phải minh bạch thông tin và cơ chế thoáng hơn để thị trường tự định hướng. Hiện nay, bộ Tài chính đang mong muốn tạo ra ít nhất 2 công ty để có sự cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn xếp hạng tín dụng nhưng quy mô thị trường còn có nhỏ.
Ông lấy dẫn chứng, Malaysia mất 20 năm để xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm, bất cứ công ty nào muốn phát hành trái phiếu đều phải xếp hạng tín nhiệm. Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình này.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là thị trường mới, non trẻ. Các doanh nghiệp lấy tiền vay ngân hàng để phát triển nguồn vốn thì gặp nhiều rủi ro nên việc huy động vống qua chứng khoán có thể hạn chế điều này.
Về giải pháp, ông cho biết, Bộ Tài chính đang chỉ đạo để Sở Chứng khoán Hà Nội xây dựng cổng thông tin để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Bộ cũng đệ trình Luật chứng khoán sửa đổi tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh.
Liên quan tới câu hỏi về việc phối hợp giữa các chính sách, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Đa số nguồn vốn là ngắn hạn, dư nợ tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, sự chuyển dịch từ tiền tệ sang thị trường vốn là tất yếu. Hiện, thị trường trái phiếu chính phủ phát triển mạnh mẽ, kiểm soát lạm phát. Hai năm trở lại đây, trái phiếu doanh nghiệp chuyển dịch tích cực.
Đối với tổ chức tín dụng, Ngân hàng nhà nước sẽ đưa ra quy định rõ ràng. Về lãi suất ưu tiên là 6,5%, thị trường tín dụng ngân hàng khác với thị trường vốn, nhất là khi phát hành trái phiếu. Số liệu thống kê, 18% số vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, xét về mục tiêu, kế hoạch phát triển hiện nay, các giải pháp, biện pháp rất rõ ràng và đúng đắn. Năm 2020 chúng ta đặt mục tiêu 7%, hiện nay đã giải quyết được 9,2 - 9,6%. Tuy nhiên, khâu thực thi chính sách đang có vấn đề, sự trao đổi với cơ quan nhà nước còn hơi chậm, việc giải quyết các vấn đề còn mất nhiều thời gian.
Do vậy, việc hình thành ủy ban làm việc liên bộ trong thị trường trái phiếu rất cần thiết. Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam dẫn chứng mô hình cơ quan liên bộ tại Indonesia, Malaysia giúp giải quyết các vấn đề kịp thời theo tháng.
Hội thảoKhơi thông dòng vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội là 1 trong 7 hội thảo chuyên đề được tổ chức vào sáng 02/5 trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra trong ngày 02 và 03/5 tại Hà Nội với chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ-TW của Hội nghị TW 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ do Chính phủ và Ban Kinh tế Trưng ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm