Hỗ trợ doanh nghiệp Việt – Hàn tìm kiếm, mở rộng thị trường
Từ ngày 15/10/2019: DNNVV có thể được gia hạn nợ nhiều lần / Một số chính sách hỗ trợ DNNVV vẫn chưa đi vào cuộc sống: Vướng ở đâu?
Đòn bẩy hỗ trợ doanh nghiệp Việt - Hàn
Tham dự “Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa VINASME và KBIZ” có ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam; ngài Choi Youngsam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Kim Ki Mun - Chủ tịch KBIZ; ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cùng đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trực thuộc VINASME và KBIZ.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, DNNVV ở mỗi quốc gia luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) mà Hàn Quốc và Việt Nam là thành viên, DNNVV tại nhiều quốc gia được coi là xương sống của nền kinh tế, chiếm 98-99% tổng số doanh nghiệp, đóng góp từ 40-60% GDP của quốc gia.
Ở Việt Nam, khu vực doanh nghiệp tư nhân, trong đó trọng tâm là DNNVV luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. DNNVV ở Việt Nam chiếm khoảng gần 98% trong tổng số gần 900 nghìn các doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động trong nền kinh tế. Các DNNVV có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế.
“Đây chính là lực lượng nòng cốt trong khai thác các thị trường ngách và huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư nhỏ của xã hội để phục vụ cho phát triển kinh tế. Ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, các DNNVV vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng”, ông Đông nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990 và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Tính hết tháng 8/2023, Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.756 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 83 tỷ USD. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc đứng thứ 4/100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 308 dự án, tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD.
Những năm gần đây, Hàn Quốc luôn là nhà đầu tư số một ở Việt Nam thể hiện qua việc ”nâng cấp” quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao hoạt động kinh doanh và đóng góp của doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Đặc biệt gần đây đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, dự án năng lượng, tài chính - ngân hàng, mua bán và sáp nhập (M&A), dịch vụ chất lượng cao... Điều này sẽ tiếp tục là những cơ hội rất tiềm năng để thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp của hai quốc gia.
Hy vọng thời gian tới, VINASME và KBIZ sẽ tiếp tục quảng bá môi trường đầu tư của 2 quốc gia, ủng hộ doanh nghiệp thành viên kinh doanh hiệu quả, bền vững cũng như hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động kết nối kinh doanh giữa DNNVV hai nước.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự uy tín và kinh nghiệm hỗ trợ, đồng hành với DNNVV của hai hiệp hội, các hoạt động hợp tác được ký kết trong biên bản ghi nhớ hôm nay sẽ là đòn bẩy để hai tổ chức đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ có ý nghĩa cho hội viên hai quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cùng xây dựng và đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và Hàn Quốc”, ông Đông kỳ vọng.
Xây dựng kế hoạch chi tiết cho các chương trình hợp tác
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cho biết, trải qua một thời gian làm việc hiệu quả giữa ban lãnh đạo VINASME và KBIZ, hai hiệp hội đã đi đến một thống nhất chung về mặt quan điểm.
Trên cơ sở lòng tin vững chắc đã được xây dựng giữa hai nước thời gian qua, VINASME và KBIZ cần thiết phải thiết lập một mối quan hệ hợp tác chiến lược dài hạn nhằm hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, hoạch định chiến lược để cùng nhau vượt qua những thách thức hiện nay cũng như trong thời gian tới.
“Chúng tôi nhận thấy nền tảng cho sự phát triển của mối quan hệ hợp tác này là cơ cấu kinh tế giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc bổ trợ lẫn nhau với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, hai hiệp hội cũng có những nét giống nhau về vị trí, vai trò cũng như chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao phó. Do vậy, có thể nói việc hợp tác giữa hai hiệp hội chúng ta là hết sức đúng đắn”, ông Nam nhấn mạnh.
Trong biên bản ký kết lần này, hai hiệp hội đã thống nhất phối hợp 3 nội dung chính, bao gồm: hỗ trợ kết nối các DNNVV thông qua mạng lưới của hai hiệp hội; hỗ trợ các DNNVV hai nước tìm hiểu về thị trường và tìm kiếm khách hàng tiềm năng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động về nguồn nhân lực và trao đổi thông tin giữa hai hiệp hội để kịp thời cập nhật tình hình mới tới doanh nghiệp.
Các nội dung trên chỉ mang tính chất khái quát, bao trùm cho sự hợp tác - phát triển. Hai hiệp hội sẽ cần phải nỗ lực hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới để hỗ trợ các DNNVV tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư một cách thực chất, có kết quả cụ thể. Tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ cho các DNNVV vượt qua thách thức hiện nay như vấn đề về kênh dẫn vốn vốn tín dụng, nguồn lực lao động (đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc cũng như đưa chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam) và hỗ trợ DNNVV Việt Nam tiếp cận với khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
“Để thực hiện được điều đó, VINASME và KBIZ cần tiếp tục làm việc để xây dựng kế hoạch chi tiết cho các chương trình cụ thể. Chúng tôi quan niệm rằng, với nhiều nét tương đồng, hai hiệp hội chúng ta càng gần gũi với nhau bao nhiêu thì hiệu quả công việc sẽ càng tốt bấy nhiêu và hai nước sẽ càng có lợi bấy nhiêu, đặc biệt là đối với doanh nghiệp”, ông Nam nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo