Hòa Bình: Nữ nông dân làm giàu từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp
Liên kết nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn Nhật / TP.HCM: Miễn tiền nước cho hộ nghèo và các khu cách ly chống dịch Covid-19
Trước đây, gia đình bà Hoa sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống, cuộc sống phụ thuộc vào mấy thửa ruộng, con trâu kéo cày, nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Từ năm 1998, sau nhiều năm tích cóp có được chút vốn dành dụm được, gia đình bà bắt đầu khởi nghiệp bằng việc chăn nuôi lợn, bò. Việc chăn nuôi khá thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định. Thấy vậy, bà Hoa tiếp tục mở rộng quy mô đàn gia súc đồng thời từng bước tìm hiểu, nghiên cứu thêm về trồng trọt, ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình trồng cây ăn quả có múi trên diện tích vườn nhà. Năm 2012, được sự ủng hộ của chồng, bà mạnh dạn vay vốn đầu tư vào trồng các loại cây ăn quả có múi. Thời gian đầu, do còn thiếu kinh nghiệm trong khâu chọn giống và phòng bệnh, nên cây trồng của gia đình bà phát triển chưa đồng đều, thường xuyên bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế chưa cao. Không chùn bước trước khó khăn, bà và chồng tích cực học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây trồng từ những người làm kinh tế giỏi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức.
Nhờ áp dụng KH-KT vào chăn nuôi, mô hình trang trại tổng hợp của bà Vũ Thị Hoa, xóm Bình Lý, xã Tu Lý (Đà Bắc) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với tinh thần vượt khó và phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, vừa sản xuất vừa đầu tư, đến nay, gia đình bà đã có mô hình trang trại tổng hợp với tổng diện tích gần 3 ha. Trong đó, có gần 2 ha trồng cam lòng vàng, bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi da xanh, sau mỗi vụ thu hoạch, trừ chi phí ban đầu, gia đình bà thu về trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, bà cùng chồng tự tìm hiểu, nghiên cứu và nâng cấp hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc. Nhờ áp dụng KHKT vào chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường nên đàn gia súc phát triển tốt. Đến nay, gia đình bà đã sở hữu đàn bò cái trên 12 con và đàn lợn trên 20 con. Mỗi năm, gia đình bà thu về trên 200 triệu đồng từ việc xuất lợn và bò bán cho thương lái các nơi.
Từ một hộ lao động sản xuất chỉ đủ ăn, cuộc sống còn nhiều thứ phải lo toan, đến nay, gia đình bà đã xây dựng được căn nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi, cuộc sống có phần dư giả hơn trước. Bà Hoa cho biết: Có được kết quả như hôm nay là do gia đình bà áp dụng KHKT vào sản xuất chăn nuôi mới nâng cao được chất lượng sản phẩm, trong sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất an toàn, có như vậy người tiêu dùng mới tin tưởng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà còn vận động những hộ hội viên nông dân khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Bà Hoa luôn được các cấp Hội Nông dân đánh giá cao về mọi mặt, nhất là trong các phong trào thi đua, xây dựng tổ chức Hội. Bà tích cực tham gia các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của chi hội xóm, Hội nông dân xã. Ông Đinh Công Sứng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đà Bắc cho biết: Nhiều năm liền, gia đình bà Hoa đạt danh hiệu "gia đình văn hóa". Bản thân bà được Hội Nông dân các cấp biểu dương là điển hình về phát triển kinh tế. Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình bà là hướng đi hiệu quả cho các hội viên nông dân học tập, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo