Hoa, kiểng miền Tây vào vụ
Liên kết chuỗi giá trị cho Đồng bằng Sông Cửu Long / Giá lúa gạo Đồng bằng Sông Cửu Long tăng nhẹ
Tất bật sản xuất
Với diện tích trồng hoa kiểng khoảng 950ha, niên tuổi nghề hơn 100 năm, làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) được mệnh danh là “thủ phủ hoa” ở miền Tây. Nơi đây, có hơn 2.000 chủng loại hoa kiểng khác nhau, đặc biệt hoa cúc mâm xôi, tập trung nhiều nhất là phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông. Để kịp phục vụ Tết Nguyên đán 2024 và Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ 1 năm 2023, làng hoa Sa Đéc hiện đang tất bật trồng hơn 100ha hoa, kiểng.
Nông dân trồng hoa, kiểng ở miền Tây đang tất bật chăm sóc cây, chuẩn bị cung ứng thị trường tết.
Ông Trần Văn Tiếp - Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím (làng hoa Sa Đéc) thông tin, để phục vụ thị trường tết và festival, 30 thành viên của hội quán đang khẩn trương tập trung chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo, chọn thời điểm bón phân, ngắt cành, tưới nước… để hoa ra đều và đẹp.
Để phục vụ thị trường cuối năm và Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc, hội quán dự kiến cung ứng 100.000 chậu các loại, như: sao nháy, thược dược, cẩm nhung, thạch thảo… Ngoài ra, hội quán còn sản xuất 2 dòng lúa kiểng vào chậu, gồm: lúa kiểng lá tím bông xanh và lúa kiểng lá xanh bông tím.
Theo ông Tiếp, do ý thức cao và nắm bắt cơ hội quảng bá thương hiệu cho hoa địa phương, khi tỉnh nhà tổ chức festival hoa, kiểng nông dân làng hoa Sa Đéc rất nhiệt tình hưởng ứng, với kỳ vọng sản xuất hoa được mùa, trúng giá.
Ông Trần Văn Tiếp - Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím (làng hoa Sa Đéc), đang chăm sóc lúa kiểng lá xanh bông tím để kịp phục vụ tết.
Tương tự, tại “vương quốc” hoa kiểng Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, vào thời điểm này, nông dân trồng hoa, kiểng đang tất bật chăm sóc cây, chuẩn bị cung ứng thị trường tết các loại cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, vạn thọ, mai vàng, tắc kiểng, kiểng lá… Ông Trần Văn Bé Sáu (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách), người có hàng chục năm kinh nghiệm trồng mai vàng cho biết, vườn nhà ông có hơn 2.000 gốc mai vàng từ 1 đến 3 năm tuổi. Ngày Tết đang đến rất gần nên thời gian này ông tập chăm sóc cây khỏe, đồng thời tỉ mỉ tạo dáng sao cho thật bắt mắt để bán được giá cao.
Thời điểm này, anh Trần Duy Khoa (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) tập trung chăm sóc hơn 500 chậu cúc mâm xôi cung ứng thị trường tết. Theo anh Khoa, thời tiết năm nay được xem khá thuận lợi, hiện cây đang sinh trưởng tốt, dự báo cây ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Còn ở tỉnh Vĩnh Long, các thành viên của Hợp tác xã làng nghề mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cũng khẩn trương chăm sóc, cắt tỉa lá và vô chậu mai vàng. “Năm nay, làng nghề sản xuất hơn 500 gốc mai cổ, khoảng 4.000 gốc mai trung và 25.000 gốc mai tiểu, bonsai cùng hàng nghìn gốc kiểng khác cung ứng thị trường tết”, ông Lê Văn Tý - Giám đốc hợp tác xã cho biết.
Dự báo sức mua yếu
Gia đình có truyền thống trồng hoa, kiểng hơn 20 năm, bà Hồ Thị Lớn (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) cho biết, có rất nhiều kinh nghiệm từ kỹ thuật trồng cho đến thị trường tiêu thụ. Năm nay, do khan hiếm về giống, gia đình chỉ trồng 1.500 chậu cúc mâm xôi hoa vàng phục vụ thị trường tết (giảm khoảng 10% so với năm trước). “Hiện, cây được khoảng 4 tháng tuổi và đang chờ thương lái đến đặt hàng. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay thì cây sẽ ra hoa đúng vào dịp tết”, bà Lớn kỳ vọng.
Bà Hồ Thị Lớn (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc), đang chăm sóc cúc mâm xôi để bán tết.
Thị trường tết năm nay, gia đình anh Lê Thành Hiếu (ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc), thành viên của Hội quán Tôi yêu màu tím chỉ sản xuất gần 20.000 chậu cúc mâm xôi. Theo anh Hiếu, do vật tư nông nghiệp năm nay tăng nhẹ về giá, để thích ứng, anh đã chủ động lấy công làm lời, cắt giảm thuê nhân công nhằm giảm chi phí sản xuất.
Ông Trần Văn Tiếp - Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím cho biết, năm nay hội quán chỉ cung ứng khoảng 150.000 chậu cúc mâm xôi, giảm gần một nửa so với năm 2023. Lý giải cho việc sản xuất hoa tết giảm, ông Tiếp cho rằng, do ế ẩm suốt 1 năm, hàng hoá chất chồng đã chiếm phần lớn diện tích đất để trữ hàng hóa bị tồn đọng, từ đó diện tích trồng bị giảm.
Mặt khác, thị trường lớn tiêu thụ các loại hoa ở Sa Đéc là TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, thời gian gần đây do tình hình chung về kinh tế bị ảnh hưởng, các chung cư không bán được, nhiều công ty cắt giảm lao động, hoặc tạm ngừng hoạt động… đã kéo theo việc tiêu thụ hoa công trình bị chậm.
Trao đổi với báo chí về thị trường hoa, kiểng năm nay, ông Trần Thế Hùng - Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Hồ Chí Minh cho biết, dịp tết năm rồi hoa kiểng đổ về TP Hồ Chí Minh quá nhiều, trong khi sức tiêu thụ giảm khiến lượng hoa kiểng bị ế rất lớn. Năm nay kinh tế khó khăn hơn, thu nhập của đại bộ phận người dân giảm. Do đó, từ nhiều tháng trước, hội đã khuyến cáo nhà vườn tại các tỉnh, thành giảm bớt diện tích, sản lượng, tập trung vào các loại hoa kiểng phổ biến để tránh thiệt hại.
Diện tích trồng các loại hoa kiểng tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương phục vụ Tết Nguyên đán 2024, ước chừng chỉ bằng khoảng 50 - 60% so với năm trước. Một số nhà vườn cho biết, hiện vẫn chưa bán được nhiều cho thương lái nên nhiều chủ vườn ở các tỉnh đã liên hệ với hội về việc đưa hàng lên TP Hồ Chí Minh bán trực tiếp vì lo ngại khó có thể bán sỉ cho thương lái như mọi năm.
“Tết năm nay có thể hoa kiểng về TP Hồ Chí Minh sẽ không nhiều như các năm trước. Nhưng với tình hình thị trường sức mua yếu như hiện tại thì giá bán các loại có thể sẽ không tăng nhiều”, Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Hồ Chí Minh nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu