Giải bài toán nhân lực cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
DNVN - Ngoài trở ngại về sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng và liên kết vùng thì bài toán nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho lĩnh vực du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn khá hạn chế và đến nay vẫn chưa có lời giải.
Xuất khẩu sắn thu về cả tỷ USD mỗi năm nhưng "bỏ trứng vào một rổ", tiềm ẩn rủi ro / Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" có xu hướng sụt giảm
Không thể có ngay nhân lực chất lượng cao
Vùng ĐBSCL còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Vùng đã hình thành các điểm du lịch có tầm cỡ quốc gia như: điểm du lịch Cần Thơ mang sắc thái của vùng Tây Đô, du lịch sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau, du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, du lịch trên đảo Phú Quốc,… Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng là một trong những vùng đón nhiều khách du lịch nội địa, tập trung chủ yếu tới các tỉnh, thành phố có lượng khách nội địa lớn là Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và Cà Mau.
Tuy nhiên, tại hội thảo “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội để bứt phá" do Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ngày 26/4, các diễn giả có chung nhận định, dường như du lịch khu vực này chưa phát triển và phát huy tối ưu các tiềm năng bởi phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức được các diễn giả đưa ra bàn thảo nhiều là bài toán nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch cần phải giải để góp phần cho du lịch khu vực này phát triển xứng tầm.
Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Cty Vietravel, Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, doanh nghiệp nằm trong khu vực ĐBSCL thuộc "vùng trũng" của du lịch Việt Nam bởi chưa được quan tâm đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng xứng với tiềm năng.
Một trong những trở ngại lớn của du lịch ĐBSCL là nguồn nhân lực.
Ngoài câu chuyện sản phẩm du lịch gần như trùng lắp, không hấp dẫn, chưa có sản phẩm liên kết vùng, chưa có sự quan tâm, đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng... bài toán nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực du lịch khu vực này còn khá hạn chế, là điểm thực sự yếu và đến nay vẫn chưa có lời giải ngay khiến du lịch nơi đây chưa phát triển. Thực tế, du lịch ĐBSCL yếu hơn so với các vùng còn lại của cả nước.
PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, trong một vài năm qua, Nhà nước có nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động đào tạo nhân lực. Từ góc độ ở bậc đại học, từ Chính phủ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những cơ chế rất cởi mở để các trường đại học có thể đào tạo nhân lực ngành du lịch nhiều hơn. Và số lượng các trường đào tạo về du lịch tăng lên rất nhanh.
Khi du lịch cần lượng lớn lao động thì bài toán lao động về số lượng sẽ tăng nhanh và chất lượng dần dần sẽ được đáp ứng. Đào tạo trong lĩnh vực du lịch không thể rốt ráo trong ngày 1 ngày 2.
"Không phủ nhận rằng chúng ta cần lực lượng lao động tốt nhưng cũng giải bài toán trong thời gian nhanh. Ví dụ đào tạo nhanh lực lượng lao động ở trình độ sơ cấp, trung cấp để có thể dần dần tạo ra lực lượng lao động có thể phục vụ được ngay. Nhà nước có thể giải quyết ở khía cạnh này. Thay vì đào tạo nghề trong nông nghiệp thì nên chăng chúng ta coi đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch là định hướng cho xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn ở khu vực ĐBSCL", ông Hoàng trăn trở.
Theo ông Hoàng, đào tạo chất lượng cao chắc chắn không thể giải quyết được ngay, vì cần phải có lực lượng đào tạo chất lượng cao, trong khi Việt Nam đang thiếu. Hơn nữa, chúng ta sẽ phải xác định từng nhóm đối tượng, lực lượng lao động, từng lớp lực lượng lao động để có giải pháp riêng.
Không giải quyết sớm sẽ mất cơ hội
Ở góc độ doanh nghiệp, cho rằng nhân lực là vấn đề nhức nhối, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế HIEUTOUR phân tích, nếu không giải quyết sớm bài toán nhân lực thì sẽ mất đi cơ hội việc làm trên chính quê hương của mình.
"Dù đã đề cập nhiều nhưng chúng ta chưa xây dựng cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Chúng tôi sẵn sàng trả mức lương 25 triệu đồng nhưng đó là những nhân sự có chất lượng. Với sinh viên mới ra trường, nếu tự tin có thể đảm nhận 1 vị trí nào đó thì có thể đàm phán với công ty về mức lương. Nhưng sự thực thì chúng tôi chưa có nguồn nhân lực chất lượng.
Theo các diễn giả, việc đào tạo nhân lực du lịch không thể ngày 1 ngày 2.
Việc đào tạo mất 6 tháng - 1 năm cũng là trở ngại với các doanh nghiệp. Trong khi đó, khi đã hội nhập ASEAN, doanh nghiệp Campuchia và Thái Lan qua Việt Nam kinh doanh du lịch, tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với người dân ĐBSCL. Thực tế cho thấy, hiện nhiều doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực chất lượng phục vụ cho ngành du lịch ĐBSCL để đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Hiếu chia sẻ.
Đánh giá chia sẻ của ông Hiếu có tính thực tiễn cao, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng ViEF cho biết: Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam từng chia sẻ, tỉnh Quảng Nam có lượng lớn khách quốc tế đến với Hội An và các điểm khác nhưng khả năng nói tiếng Anh của những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn rất hạn chế. Do đó, đề bài mà lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đặt ra với tập đoàn du lịch lớn là bằng cách nào đó để trong 10 năm tới người làm du lịch tỉnh Quảng Nam tự tin nói tiếng Anh.
"Số lượng các lãnh đạo trăn trở khi đi vào các bài toán thực tiễn như vậy dường như còn rất ích. Chúng ta làm du lịch, chúng ta muốn thu hút khách quốc tế nhưng lại ít chú trọng đến việc cần kỹ năng gì so với những đơn vị đã nhuần nhuyễn với bài toán khách nội địa. Trong khi đó, du lịch tại Bali, tài xế nói tiếng Anh như gió. Nhân sự du lịch ở Campuchia có thể thông thạo 3, 4 thứ tiếng", bà Thủy cho hay.
Theo bà Thủy, nhân lực chưa bao giờ là bài toán dễ đối với ngành du lịch cũng như những ngành khác. Trong suốt 2 năm đại dịch vừa qua, doanh nghiệp càng khó khăn hơn về vấn đề nhân lực. Tuy vậy cũng có tín hiệu tích cực khi sinh viên ngành du lịch đã nghĩ tới việc về các tỉnh thay vì ở lại những thành phố lớn để phục vụ du khách khám phá, trải nghiệm đời sống nông thôn. Khi nhân lực chưa có ngay, cần sự gắn kết, cần có sự định hướng để sinh viên có lựa chọn tối ưu.
"Đặt ngược trở lại, các doanh nghiệp cũng nên tìm đến các trường đào tạo nhân lực để bổ sung nguồn nhân lực trong thời gian tới. Hay đưa người của doanh nghiệp vào để kết hợp giảng dạy cũng có thể là mô hình tốt cho cả hai bên, bởi qua đó nuôi dưỡng được nguồn nhân lực phù hợp", bà Thủy gợi ý.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo