Chính sách

Tăng mật độ đô thị, ưu tiên phòng chống thiên tai trong phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

DNVN - Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần theo hướng tăng mật độ, ưu tiên đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội nhập quốc tế trong giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long / 8 tỉnh Tây Bắc hướng tới phát triển du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long

Sau hơn 35 năm đổi mới, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch đô thị chưa cao, phát triển đô thị chưa thực sự bền vững, theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị ngày càng diễn biến phức tạp, khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị còn thấp.


Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Phát biểu tại hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng ĐBSCL”, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trước thực trạng trên, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 06) đã đề ra yêu cầu phải đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch.

Theo đó, quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững.

Bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch. Trong đó, xác định quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Riêng đối với phát triển đô thị vùng ĐBSCL, Nghị quyết 06 đã đề ra yêu cầu phải tăng mật độ đô thị và ưu tiên đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị.

Các đại biểu tham dự hội thảo“Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùngĐBSCL”.

Ông Hiển cho biết, 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, toàn bộ 13 tỉnh, thành phố tại vùng này đều có nguy cơ ngập.

Một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP Rạch Giá, TP Hà Tiên (Kiên Giang), TP Cà Mau (Cà Mau), TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), TP Vị Thanh (Hậu Giang) và TP Cần Thơ.

Với tính chất quan trọng của vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCLđến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Để triển khai các định hướng nêu trên của Nghị quyết 06 và các nghị quyết, chiến lược liên quan, một trong những yêu cầu quan trọng là phải tích hợp được các yêu cầu về khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các quy hoạch phát triển đô thị”, ông Hiển nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm