Thị trường

Học người Nhật cho xuất khẩu nông sản

Những trải nghiệm về xuất khẩu nông sản tại thị trường Nhật cũng như sự hỗ trợ của nước này để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp đang giúp cho nông sản Việt có những bài học để tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.

Xuất khẩu rau quả tiếp tục vượt dầu thô, lập kỷ lục mới / Xuất khẩu năm 2018 thêm nhiều điểm vượt trội

So sánh quả xoài của Việt Nam và Thái Lan khi xuất khẩu (XK) sang Nhật, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam (chuyên hoạt động XK hàng Việt sang các thị trường nước ngoài thông qua hệ thống siêu thị AEON của Nhật) cho biết quả xoài Thái xuất qua đường hàng không chỉ có giá 96 cent/quả, trong khi xoài Việt lên đến 2,3 USD/quả.

Bài học liên kết chuỗi

Mức giá kém cạnh tranh của xoài Việt, theo ông Yuichiro, là do chi phí vận chuyển từ Tp.HCM sang Nhật quá cao. Hơn nữa, xoài Việt xuất đi có chất lượng cũng chưa đồng đều khi chưa biết cách chọn lựa thời điểm thu hoạch sản phẩm, cách bảo quản, đưa hàng đi một cách khoa học.

Lưu ý thêm về trái xoài Việt với hy vọng có thể XK 100 tấn sang Nhật trong năm 2019, giới chuyên gia Nhật cho biết đây là loại quả có thể ứng dụng công nghệ đông lạnh của Nhật Bản để bảo quản và XK. Đặc biệt là trái xoài rã đông ở trạng thái tương tự như kem đang là xu hướng được người tiêu dùng Nhật quan tâm, cho nên các doanh nghiệp (DN) khi XK cần đa dạng hóa sản phẩm.

Dẫn kinh nghiệm XK chuối khi học hỏi cách thức kiểm tra nghiêm ngặt của người Nhật, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình (Long An), cho biết đối tác Nhật phải tới tận nông trại, coi tất cả hồ sơ và gần như đi "lục" tới cả thùng rác, để xem có sử dụng mặt hàng gì nằm ngoài nhật ký sản xuất hay không.

"Công ty có thể bán chuối sang thị trường này nhiều thêm nữa nhưng lại đang thiếu nhân công trong vùng để đóng gói trái chuối đủ tiêu chuẩn của Nhật. Khi đi liên kết với nông dân, chúng tôi đưa ra các điều kiện của mình về sự tuân thủ các tiêu chuẩn này", ông Huy nói.

Trao đổi với giới DN làm nông nghiệp ở Tp.HCM hồi cuối tuần qua để nâng cao giá trị XK nông sản, ông Tanaka, Phó Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ để phát huy tiềm năng của nông sản Việt cũng như sự phối hợp của các DN tư nhân của cả hai nước Nhật Bản và Việt Nam.

Với nhu cầu tiêu dùng nông sản trên thị trường thế giới ngày càng lớn và dự báo sẽ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, các DN tư nhân trong và ngoài nước đang triển khai mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không chỉ trong sản xuất mà cả chế biến để XK.

Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản và JICA đang phối hợp cùng với các DN tư nhân triển khai hợp tác nhằm hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam.

nong-san-viet-JPG-8170-1548081291.jpg

Nông sản Việt cần học hỏi nhiều để nâng giá trị xuất khẩu

Hướng tới bền vững

Cách đây hai năm, JICA đã có những dự án chọn một số địa phương tại Việt Nam để hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, XK sang thị trường mục tiêu là Nhật Bản và Mỹ. Đơn cử như Mitsui là một công ty được chọn để hỗ trợ Việt Nam xây dựng thương hiệu nông sản và XK, cũng như hỗ trợ các DN Nhật chuyển giao công nghệ vào Việt Nam.

Hoặc ở một dự án khác do JICA tài trợ, công ty TNHH Himeji, sàn giao dịch hoa (Nhật Bản) phối hợp Tp.Đà Lạt (Lâm Đồng) xây dựng trung tâm nghiên cứu và nhân giống hoa, với một phòng nhân giống cấy mô (in vitro), khu vườn ươm, sản xuất hoa hiện đại trên diện tích 2.000m2.

Theo đó, các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp đến mở các khóa học về gieo trồng, sản xuất giống hoa cúc và cẩm chướng, cũng như hỗ trợ kinh nghiệm cho cán bộ nông nghiệp và nông dân về cách chọn giống hoa để nhân giống, kỹ thuật canh tác, ngăn ngừa sâu bệnh và bảo quản sau thu hoạch, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hoa đủ sức XK, cạnh tranh trên thị trường hoa quốc tế.

Ông Fukui Teru, Chánh văn phòng Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam, đánh giá sự hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản đang được triển khai một cách thuận lợi.

 

Từ năm 2015, hai bên đã ban hành "Tầm nhìn dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản" và triển khai nhiều hợp tác nhằm xây dựng, hình thành chuỗi giá trị nông sản dựa trên sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân thông qua một số địa phương thí điểm như Nghệ An, Lâm Đồng…

Còn theo ông Takebe Tsutomu, Trưởng ban tổ chức Japan Vietnam Festival, Viện Nghiên cứu tổng hợp Toa của Nhật đã hỗ trợ cho đoàn cán bộ của Hội Nông dân Việt Nam trong chuyến khảo sát tại Nhật Bản vào tháng 4 năm ngoái.

Đồng thời, với tư cách là tổ chức quản lý thực tập sinh, Viện nghiên cứu đã cử chuyên gia sang các DN của các thực tập sinh nhằm giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực XK nông sản.

Để có thể cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế, nông sản Việt cần có sự phát triển bền vững, mà muốn bền vững, theo Phó Chủ tịch JICA, Việt Nam cần hoàn thiện hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, an toàn thực phẩm và hình thành chuỗi giá trị nông sản, đào tạo nhân lực nông nghiệp.

"Xét từ kinh nghiệm của Nhật Bản, đây là những yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển bền vững của nông sản Việt. Những yếu tố đó cùng với vấn đề về thực phẩm và nông nghiệp, xây dựng phát triển nông thôn là những yếu tố vô cùng quan trọng", ông Tanaka nhấn mạnh.

 

Theo thoibaokinhdoanh.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm