Thị trường

Hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi suất "khủng" - Miếng pho mát trên chiếc "bẫy chuột"

Việc đầu tư theo phong trào bởi ham lãi suất cao và nghe theo lời người khác rủ rê đã khiến cho không ít người rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Đà Nẵng: Khuyến cáo người dân khi mua nhà ở xã hội An Trung 2 / Gốm sứ Minh Long và sản phẩm Sao Thái Dương hút khách tại Hainan Expo 2023

Khốn khổ vì hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi cao

Hợp đồng hợp tác kinh doanh là một hình thức đầu tư được pháp luật quy định, trên cơ sở các bên cùng góp vốn, cùng tham gia quản lý. Đồng nghĩa với việc khi kinh doanh có lãi các bên sẽ cùng hưởng lợi và nếu có thua lỗ cũng phải cùng chịu.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh bình thường cũng có rủi ro. Còn nếu tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi cao chắc chắn rủi ro còn tăng gấp nhiều lần. Đặc biệt, khi bên bỏ tiền vào đầu tư hợp tác kinh doanh lại chỉ quan tâm đến mức lợi nhuận bên kia đưa ra.

Cách đây hơn 1 năm, hàng nghìn nhà đầu tư trên khắp cả nước đã rủ nhau cùng đi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần tập đoàn Capel. Khi công ty này đưa ra mức lợi nhuận 150%/năm, lại được chia lãi theo ngày, rồi hứa hẹn tặng cả đất… nhưng sau khi ký hợp đồng,Công ty Capelchỉ trả lãi 1 đến 2 tháng rồi dừng hẳn.

Hơn 1 năm nay, các nhà đầu tư của doanh nghiệp này đã khốn đốn vì phải liên tục đi lại nhiều lần để đòi lại số tiền đã đầu tư mà không được do lãnh đạo Công ty Capel trốn tránh không gặp mặt.

Cách đây hơn 1 tuần các nhà đầu tư của Capel đã may mắn gặp được bà Hà Thị Nga, Tổng Giám đốc của Capel tại trụ sở làm việc, nhưng vẫn chưa lấy lại được tiền, mà vẫn chỉ nhận được những lời hứa hẹn chung chung từ vị lãnh đạo của Capel.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi suất khủng - Miếng pho mát trên chiếc bẫy chuột - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư của công ty cổ phần Tập đoàn Fintechland còn khốn khổ hơn nữa, khi cũng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh mà giờ đây còn không biết tìm, gặp lãnh đạo doanh nghiệp này ở đâu bởi văn phòng làm việc của Fintechland tại Phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã đóng cửa, không còn hoạt động.

Trước đó, vào tháng 4/2022, Công ty Fintechland do ông Trần Đức Tây làm giám đốc, đã mời chào nhà đầu tư tham gia ký kết hợp đồng hợp tác với mức lợi nhuận lên tới 240% cho 2 năm hợp tác.

Tiền ở đâu để hứa hẹn trả lãi "siêu khủng" cho các nhà đầu tư?

Ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, hai công ty Capel và Fintechland ở trên đều có chung một điểm đó là trả lợi nhuận cao hàng trăm phần trăm một năm, gấp hàng chục lần lãi suất ngân hàng nhưng lại không hề có một dự án hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh gì cụ thể. Thậm chí, qua tìm hiểu của phóng viên VTV, Công ty Capel 3 năm trở lại đây còn không hề ghi nhận doanh thu, cũng chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.

Vậy nếu các doanh nghiệp này không hoạt động kinh doanh gì họ lấy đâu tiền để trả lãi cho các nhà đầu tư cao như vậy, thậm chí là còn tặng đất, tặng xe cho các trưởng nhóm, các lãnh đạo?

Hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi suất khủng - Miếng pho mát trên chiếc bẫy chuột - Ảnh 2.

Luật sư Bùi Quang Hưng - Trưởng Văn phòng luật sư BQH và Cộng sự nhận định: "Chỉ có 2 khoản tiền là họ lấy tiền từ những người đã đóng trước vào để trả ngay cho người mới nộp để nhận lãi. Thứ hai là chính tiền của người vừa mới nộp vào công ty và công ty cắt ngược ra để trả. Không có hoạt động kinh doanh nào nhanh và lớn như vậy, chắc chắn đấy là tiền của họ, máu thịt của nhà đầu tư cắt ra trả cho họ".

Tuy nhiên, một phần trách nhiệm cũng đến từ các nhà đầu tư, khi ngay từ ban đầu, không ít nhà đầu tư bỏ tiền vào hợp đồng hợp tác kinh doanh, chỉ với mục đích lấy lãi cao. Mặc dù mức lãi này trong hiện tại tương đối phi lý, nhưng họ vẫn đặt bút ký hợp đồng, mà không hề tìm hiểu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư của Công ty cổ phần Tập đoàn Capel cho biết: "Cũng vì mù quáng, tôi cũng không đọc hết hợp đồng, cứ thế họ dụ dỗ mình vào Capel, cứ thế mà bỏ tiền ra đầu tư".

"Đầu tiên nó nói vào đó lãi suất cao so với ngân hàng, sau này đầu tư nhiều sẽ có đất, nó cho đất", nhà đầu tư của Công ty cổ phần Tập đoàn Capel nói.

Chiêu trò "ve sầu thoát xác" của Công Capel

Việc đầu tư theo phong trào, vì người khác rủ rê đã khiến cho không ít người rơi vào tình cảnh khốn đốn. Nếu các nhà đầu tư không thận trọng hơn và có trách nhiệm với chính đồng tiền của chính mình, trước sau gì cũng vẫn sẽ rơi vào "bẫy" của những lời mời chào vì lợi nhuận cao. Bởi các công ty muốn thu hút vốn với mục đích không rõ ràng sẽ tìm mọi cách để các nhà đầu tư phải xuống tiền.

Ví dụ như Công ty Capel, sau khi không thu hút được tiền của các nhà đầu tư nữa, ông Lã Quốc Trưởng - Chủ tịch HĐQT của công ty Capel lại vừa đi thành lập thêm một doanh nghiệp mới, với tên Công ty cổ phần đầu tư và thương mại dịch vụ Phúc Khang do ông Trưởng làm Tổng giám đốc và là người đại diện.

Công ty Phúc Khang hiện tại cũng đang đi kêu gọi, dụ dỗ người dân bỏ tiền vào đây cũng vẫn thông qua cái gọi là "Hợp đồng hợp tác kinh doanh", với lãi suất khủng 102%/năm, với các chiêu trò giống y hệt của Công ty Capel.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi suất khủng - Miếng pho mát trên chiếc bẫy chuột - Ảnh 3.

Nhận diện rủi ro trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh

Những tưởng thành lập công ty mới sẽ dễ dàng tiếp tục huy động được tiền của người dân, với mục đích không minh bạch, nhưng không may cho cCông ty Phúc Khang là đã bị phóng viên của VTV phát giác ra chiêu trò.

Theo luật sư, một dự án cụ thể thông thường chỉ có lợi nhuận từ 20 - 30%. Trong đó doanh nghiệp phải chi trả cho lương nhân viên, đóng thuế và nhiều chi phí khác. Vì vậy, với các hợp đồng hợp tác kinh doanh trả lãi khoảng 12%/1 năm trở xuống là có khả năng thực hiện. Còn đối với mức lãi suất trên 12% - 20% là tương đối rủi ro. Lãi trên 20% đến hàng trăm % là đặc biệt rủi ro.

"Những dự án cao hơn 12% hoặc là cam kết 100%/năm thì chứa đựng rất nhiều rủi ro, có nhiều bài học đã chứng minh rằng những người kêu gọi dự án đó phần lớn là áp dụng mô hình pn - mô hình thu hút tiền của người sau trả cho người trước. Hoặc là họ sẽ cắt luôn tiền lãi ban đầu cho những người đã gửi vào cho mình và sau đó đề nghị lôi kéo thêm người khác tham gia, những mô hình đó tương đối rủi ro", Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SBLaw, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định.

Ngoài ra, khi ký kết hợp tác kinh doanh, các nhà đầu tư cần tìm hiểu cụ thể về lịch sử hình thành của doanh nghiệp, các dự án cụ thể mà doanh nghiệp đang thực hiện. Nếu doanh nghiệp nào mà chỉ cung cấp các thông tin chung chung, không cụ thể được dự án nào cần cảnh giác.

Một thông tin tích cực đó là sau khi VTV phát sóng loạt phóng sự cảnh báo về những bất thường của Công ty Capel và Phúc Khang, đã có rất nhiều nhà đầu tư nhắn tin gửi lời cảm ơn. Họ chia sẻ khi đang chuẩn bị tiền đầu tư vào Capel và Phúc Khang thì xem được cảnh báo và họ may mắn đã không rơi vào tình cảnh khốn đốn như hàng nghìn nhà đầu tư ở trên.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm