Hướng đi mới cho tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh
Quý I/2021: Thương mại Việt Nam - Ấn Độ tăng trưởng tích cực / Giảm 50% mức thu phí trong chăn nuôi đến hết năm 2021
Các biện pháp này đang được thực hiện thành công tại một số cơ sở nuôi quy mô lớn tại Lào Cai, hứa hẹn bài toán cá nước lạnh rớt giá có lời giải.
Chế biến sâu và liên kết trong sản xuất
Hiện nay, Hội Cá nước lạnh Lào Cai quản lý 55 cơ sở nuôi thủy sản nước lạnh với thể tích đạt khoảng 17.000 m3, chủ yếu nuôi tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn... mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 335 tấn (chiếm 50% sản lượng toàn tỉnh). Đầu tư nuôi cá nước lạnh không chỉ tốn kém nhiều tỷ đồng mà còn đòi hỏi những yếu tố khắt khe về nguồn nước tự nhiên, con giống nhập khẩu, giá thức ăn nuôi cá cao. Nếu không gặp muốn rủi ro, ngành nghề này buộc phải có liên kết chặt chẽ từ tổ chức sản xuất, tiêu thụ đến chế biến sâu để gia tăng thu nhập cho người nuôi cá nước lạnh.
Đợt dịch COVID-19 vừa qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh giúp các hộ chăn nuôi cá nước lạnh nhỏ lẻ ở Sa Pa có ý thức hơn trong việc chăn nuôi cá chuyên nghiệp, có liên kết, đầu tư bài bản hơn. Giờ đây, không có nhiều diện tích để mở rộng hệ thống bể nuôi cá, nhiều trại lớn hoặc hợp tác xã ở Sa Pa đã liên kết với nông dân để cùng phát triển nghề nuôi cá nước lạnh.
Trại cá hồi Thức Mai tại xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa do chị Phạm Thị Mai làm chủ cung ứng cá giống, cám cá và thu mua cá xuất bán từ trên 30 hộ dân trong vùng. Nếu như trước đây sản phẩm cá nước lạnh tại cơ sở này được tiêu thụ dễ dàng thì từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện cùng với lượng cá tầm nhập khẩu tăng vọt đã gây nhiều khó khăn cho trại cá như: giá thức ăn tăng, giá bán cá giảm, nhu cầu thị trường bị hạn chế do lượng khách du lịch đến Sa Pa ít ỏi do dịch bệnh... Để thoát khỏi tình trạng này, chế biến sâu chính là giải pháp trại cá hồi Thức Mai lựa chọn là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa chuỗi sản phẩm từ cá nước lạnh và đã cho thấy hiệu quả bước đầu.
Giờ đây, mỗi ngày, trại cá hồi Thức Mai chế biến và tiêu thụ khoảng 1 tấn cá hồi thương phẩm. 50 sản phẩm chế biến từ cá hồi như: cá hồi hun khói, xúc xích cá hồi, giò cá hồi, ruốc cá hồi.... được tiêu thụ dễ dàng trong cả nước và luôn trong tình trạng "cháy hàng". Từ khi thực hiện chế biến sâu các sản phẩm, chị Mai yên tâm không lo về đầu ra cho sản phẩm.
Chị cho biết, để đảm bảo uy tín cho sản phẩm và có chỗ đứng lâu dài trên thị trường, sản phẩm chị làm ra phải là sản phẩm sạch. Nguyên liệu cá phải tươi sống và nuôi an toàn thì chị mới thu mua. Do đó, các hộ dân liên kết sản xuất với trại chị đều phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật nuôi cá theo quy định.
Do đặc tính của cá hồi đến kỳ sinh sản xong sẽ chết, vì vậy việc nuôi duy trì lâu ngày, không bán được, nguy cơ trắng tay là nỗi lo lớn đối với người nuôi. Do đó, cũng theo chị Phạm Thị Mai, để đưa sản phẩm cá nước lạnh vào các siêu thị lớn, thâm nhập các chuỗi kinh doanh và phát triển thị trường về lâu dài.
Trong quá trình liên kết sản xuất, mỗi hộ chăn nuôi thay vì mạnh ai nấy làm như trước kia thì giờ đây đều tuân thủ lịch trình thả giống vào một thời điểm khác nhau. Từ đó, lượng cá xuất bán không bị chồng chéo, giữ được giá và chất lượng cá đảm bảo hơn. Khi giá cá hồi xuống đến 140.000 đồng/kg như thời gian vừa qua, các hộ dân có thể cùng chia sẻ về nguồn thức ăn hoặc tìm mối tiêu thụ sản phẩm tại những siêu thị lớn.
Gắn tem truy xuất nguồn gốc
Để dần khẳng định thương hiệu cho cá nước lạnh ở Lào Cai, Hội Cá nước lạnh Lào Cai đã phối hợp Công ty cổ phần Công nghệ Smartcheck (Hà Nội) thí điểm gắn 15.000 tem truy xuất nguồn gốc cho cá tầm, cá hồi tại Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa, Hợp tác xã Chế biến thủy sản nước lạnh Ô Quý Hồ, Trại cá hồi Thức Mai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo