Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn 2020 - 2030: Doanh nghiệp phải là động lực trung tâm
DNVN - Để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn thập niên 2020 - 2030 đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.
Hàng loạt cá nhân và tổ chức bị xử phạt vì mua, bán "chui" cổ phiếu / Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế trong doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 do Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành liên quan tổ chức hôm 12/9 tại Hà Nội.
Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu
Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế có tính tái tạo và khôi phục, thông qua việc thay đổi cách mà hàng hoá, dịch vụ được thiết kế, sản xuất và tiêu dùng. Từ đó, kéo dài tuổi thọ của vật chất, chuyển chất thải từ điểm cuối của hệ thống trở lại điểm đầu, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường. Khái niệm “Kinh tế tuần hoàn” đã sớm được đưa ra từ những năm 60 và 70 của thế kỷ trước bởi một số nhà kinh tế môi trường và kinh tế sinh thái.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn dù những mầm mống đã hình thành, nhìn nhận từ động lực kinh tế từ trước đến nay, những mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã có khá sớm,
"Trong khi đó, chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang Kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của cộng đồng thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đòi hỏi phải hiểu rõ bản chất của mô hình này, phân định rõ mô hình kinh tế tuần hoàn với các mô hình đã có, lưu ý các mô hình gần với các tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn là cơ sở để nâng cấp và phát triển lên thành mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành và lĩnh vực.
Đây được xem là cách tiếp cận phù hợp nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, nói cách khác, giảm tối đa việc đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường, thực hiện được đồng thời nhiều mục tiêu của phát triển bền vững", người đứng đầu Bộ Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh.
Nói về thực trạng môi trường Việt Nam, ông Trần Hồng Hà cho biết: Mặc dù chỉ là một quốc gia nhỏ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng chúng ta hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm (Jambeck et al., 2015). Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP.
"Việc lựa chọn cách tiếp cận chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cần được xem là một tất yếu phải thực hiện nhằm đạt được mục tiêu “phát triển kinh tế nhanh, bền vững”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Doanh nghiệp phải là động lực trọng tâm
Bà Bùi Thị Loan, Trưởng phòng PTBV, Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam cho biết, hiện nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã bắt đầu hoạt động theo mô hình tuần hoàn. Đơn cử, IKEA sẽ hoạt động tuần hoàn và thân thiện với môi trường trước năm 2030, Tập đoàn Lego cam kết chuyển đổi các sản phẩm nhựa làm từ dầu mỏ sang nhựa thực vật, Carlsberg cải thiện giải pháp đóng gói giảm dùng nhựa...
Chia sẻ về sử dụng năng lượng trong sản xuất kinh doanh của Heineken, bà Loan cho rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giup giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải.
"Và sáng kiến tái chế nắp bia của Tiger của Heineken Việt Nam là một ví dụ điển hình cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp kiến tạo giá trị tích cực cho xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. Thông qua việc thu gom nắp chai bia và tái chế thành vật liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, dự án đã được thực hiện thành công mục tiêu thúc đẩy tái chế và giảm rác thải và cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng...
Trong khi đó, đại diện của Unilever Việt Nam cho biết, tại thị trường Việt Nam, mỗi ngày có 35 triệu sản phẩm của Unilerver được tiêu thụ, nên việc quản lý, xử lý liên quan đến bao bì, rác thải nhựa là thứ được quan tâm. Unilever đang tập trung vào 3 chiến lược: Giảm thiểu rác thải nhựa, dùng nhựa tốt hơn và không sử dụng bao bì nhựa.
Ông Patrick Chung – Tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam khẳng định, sản xuất giấy tái chế “chìa khoá” giải quyết bài toán môi trường. Với việc sử dụng hơn 95% nguồn nguyên liệu là giấy tái chế, Lee & Man góp phần giúp Việt Nam giảm khai thác 24 triệu cây xanh, tiết kiệm khoảng 45,5 triệu m3 nước và khoảng gần 6 tỷ kWh điện, góp phần đáng kể giảm thải lượng phát thải và tiết kiệm nguồn nước quý giá.
Giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp phải đảm bảo tính thân thiện với môi trường từ khâu đầu vào, đầu ra, đến phát thải cuối cùng. Giải quyết bài toán nguyên liệu chỉ là bước đầu. Môi trường chỉ đảm bảo khi doanh nghiệp đầu tư đồng bộ cho mọi quy trình sản xuất. Đó cũng là mục tiêu cao nhất của nền kinh tế tuần hoàn.
Đề cập giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI kiến nghị, trước hết để triển khai kinh tế tuần hoàn thì các doanh nghiệp cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải có hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, được hỗ trợ để triển khai mô hình kinh tế này bởi hiện tại Việt Nam chưa có luật nào cụ thể và chuyên biệt về kinh tế tuần hoàn.
Do vậy, Chính phủ cần tiến tới cần xây dựng một Bộ luật về nền kinh tế tuần hoàn, trước mắt cần rà soát lại khung pháp lý của các quy định, các luật để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Đối với doanh nghiệp, theo ông Vinh, bản thân doanh nghiêp phải nhận thức rõ lợi ích từ mô hình này, từ đó doanh nghiệp sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và triển khai.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, để đạt được mục tiêu “phát triển kinh tế nhanh, bền vững”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội. Đảng, Nhà nước cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về những những thách thức và cơ hội của quá trình hình thành và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Cột tin quảng cáo