Xuất khẩu nông sản bền vững sang Trung Quốc: Không thể tiếp tục chậm trễ!
DNVN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức chiều ngày 13/9, tại Hà Nội.
Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam 8 tháng qua giảm gần 6% / Trung Đông - “mỏ vàng” chưa khai phá cho hàng hóa Việt chất lượng cao
Hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì với sự tham dự của Lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản.
Hội nghị được tổ chức nhằm mục tiêu rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng tổ chức lại sản xuất, xuất khẩu, góp phần tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc và phát triển xuất khẩu nông thủy sản bền vững sang thị trường này thời gian tới.
Trung Quốc - thị trường tồn tại nhiều vấn đề
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.
Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam. Trung Quốc hiện đang là thị trường số 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ 2 về hạt điều; đứng thứ 3 về thủy sản; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 12 về cà phê..., đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Trung Quốc - một đối tác lớn, trong đó bao gồm cả thương mại, đầu tư, công nghệ và nhiều lĩnh vực - luôn là thị trường xuất nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam. Đến hết năm 2018, Việt Nam đã trở thành nước XK lớn nhất ASEAN sang Trung Quốc, và đứng thứ 11 trong tất cả các thị trường NK của Trung Quốc trên thế giới. Và Trung Quốc cũng là thị trường mà chúng ta XK lớn thứ hai chỉ sau Mỹ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trước năm 2018, Trung Quốc là thị trường có thặng dư thương mại lớn nhất của Việt Nam. Nhưng sau 2018, Hàn Quốc đã trở thành thị trường này sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc được thực thi. Tuy vậy, trên thực tế, Trung Quốc vẫn là thị trường mà chúng ta nhập siêu rất lớn.
Toàn cảnh hội nghị.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, thương mại của Việt Nam với các thị trường khác đều tăng trưởng mạnh mẽ nhưng với Trung Quốc lại sụt giảm. Và trong quan hệ thương mại ở hàng loạt các mặt hàng lớn mà chúng ta vốn có vị thế quan trọng lâu nay.
Thương mại, cụ thể là xuất khẩu của Việt Nam với Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay tăng trưởng rất thấp, chỉ chưa đến 1%. Trong khi đó, các mặt hàng lớn như gạo, cao su, cà phê, rau quả, trái cây, thủy sản, dệt may, da giầy, thậm chí cả thiết bị điện tử và máy tính đều còn có nhu cầu và khả năng giao thương rất lớn với thị trường Trung Quốc, đặc biệt là thị trường chính ngạch.
Nói về nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đó là do sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của xung đột Mỹ - Trung, do thừa nguồn cung, tồn kho lớn một số mặt hàng nông sản.
Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới và tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch an toàn thực phẩm nhập khẩu cũng góp phần vào kết quả sụt giảm trên.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường tồn tại nhiều vấn đề. Trong khi đó, Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc thông qua những điểm thông quan chính ở cửa khẩu biên giới và thiếu những điều kiện đưa hàng hóa của Việt Nam vào sâu thị trường nội địa Trung Quốc, cũng như việc chưa đáp ứng những hàng rào kỹ thuật và tổ chức theo chuỗi để đảm bảo giá trị gia tăng.
Việt Nam không thể tiếp tục chậm trễ
Với thực trạng hiện nay, người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng, chúng ta cần tiếp tục phân tích, đánh giá để có chiến lược thực sự toàn diện và bền vững, để đảm bảo quan hệ phát triển hài hòa, đảm bảo lợi ích của cả hai bên trong quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc, đảm bảo thực hiện mục tiêu của Nhà nước là hướng đến một mối quan hệ thương mại bền vững và toàn diện, trong đó khai thác và phát triển XNK của Việt Nam hướng vào những giá trị gia tăng ngày càng cao hơn.
XK của Việt Nam sang Trung Quốc mới ở bước đầu đang được định vị và còn nhiều dư địa phía trước. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra do tập quán thương mại của chúng ta với nước láng giềng dựa trên nhiều tập quán, thói quen, cũng như mối quan hệ mang tính không chính thức và không chuyên nghiệp.
"Có thể nói, đến lúc này, chúng ta không thể tiếp tục chậm trễ được nữa. Bởi vì tất cả các thị trường thương mại thế giới, trong đó có Trung Quốc, đều có những hàng rào kỹ thuật, có những yêu cầu rất cao và chặt chẽ liên quan đến chất lượng của sản phẩm, liên quan đến an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu...", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đề cập giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Hoạt động xuất khẩu nông sản của chúng ta cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi..."
Đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho rằng, doanh nghiệp ần lập tổ chức sản xuất và chế biến phù hợp với yêu cầu của thị trường theo định hướng "sản phẩm chất lượng và an toàn hơn", chuyển từ tiêu ngạch sang chính ngạch đảm bảo bền vững; Nâng cao nhận thức và năng lực trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu SPS của thị trường; Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm, kết nối với các đối tác nhập khẩu lớn của Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu và đưa sản phẩm vào sâu trong thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Lê Thanh Hòa đề xuất, để đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng ATTP và phát triển thị trường cho sản phẩm, DN nên xây dựng cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp - người sản xuất - nhà quản lý....
Đánh giá Trung Quốc là thị trường vô cùng quan trọng đối với nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, để giải quyết các thách thức to lớn hiện nay cần phải có sự vào cuộc của 3 trục, đó là cơ quan Chính phủ, DN - doanh nhân và người dân. Nhiệm vụ của ai người ấy làm, phối hợp tốt thì mới khai thác được tiềm năng, lợi thế và vượt qua thách thức; khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chỉ như vậy thì xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc mới phát triển bền vững.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo