IATA dự báo lượng khách hàng không toàn cầu phải đến năm 2023 mới phục hồi bằng năm 2019
Chính thức thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines đặt trụ sở tại Huế / Dịch COVID-19 có thể khiến ngành hàng không toàn cầu thiệt hại 312 tỷ USD
Khi dịch Covid–19 bắt đầu lan rộng, hầu hết các đánh giá về tác động của nó đối với ngành hàng không và du lịch cũng như, sự phục hồi của các ngành này đều khá khá tích cực. Trong báo cáo “Đánh giá tác động ban đầu của chủng virus Corona mới” ngày 20/2/2020, trên cơ sở đánh giá tác động của các dịch bệnh trong quá khứ (SARS 2003, Cúm gia cầm 2005 và 2013, MERS 2015) đối với ngành hàng không, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA cho rằng lượng khách hàng của ngành hàng không (được đo bằng chỉ số Khách luân chuyển – RPKs) ở khu vực bị ảnh hưởng sẽ chạm đáy trong khoảng từ 1 đến 3 tháng (trùng với thời điểm đỉnh dịch) và sẽ phục hồi trở lại mức trước dịch bệnh trong vòng 6 đến 7 tháng (kể từ ngày công bố dịch bệnh).
Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch Covid–19, trong báo cáo cập nhật tác động của dịch bệnh ngày 24/3/2020, IATA phải thừa nhận, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, RPKs có thể sẽ không thể phục hồi trong vòng 6 tháng kể từ ngày công bố dịch. Tiếp đó, trong báo cáo “Đánh giá triển vọng của hoạt động di chuyển bằng đường không trong 5 năm tới” ngày 13/5/2020, IATA dự báo dịch bệnh Covid–19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành hàng không trong trung hạn. Các chuyến bay quốc tế và đường dài sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo dự báo của IATA, GDP toàn cầu sẽ giảm 5% trong năm 2020. Mức sụt giảm này cao hơn gần 5 lần so với mức giảm 1,3 % năm 2009 (sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008). Tuy nhiên, với các gói hỗ trợ chưa từng có của các chính phủ và lượng tiền lớn được các ngân hàng trung ương bơm trực tiếp vào nền kinh tế, IATA tin rằng kinh tế thế giới sẽ sớm hồi phục hoàn toàn vào năm 2021.
Lượng khách hàng không toàn cầu dự báo sẽ phục hồi tương đương năm 2019 vào năm 2023.
Trong khi đó, do tác động kép của dịch bệnh và suy thoái kinh tế, IATA nhận định sự phục hồi của hoạt động di chuyển bằng đường không sẽ diễn ra chậm hơn so với sự phục hồi kinh tế ở các nước. Theo dự báo của IATA, lượng hành khách toàn cầu của ngành hàng không (được đo bằng chỉ số Khách luân chuyển – RPKs) sẽ giảm khoảng 50% trong năm 2020. Với mức giảm nghiêm trọng này, IATA dự báo phải đến năm 2023, RPKs toàn cầu mới phục hồi bằng mức năm 2019. Như vậy, sự phục hồi hoàn toàn của RPKs toàn cầu sẽ có độ trễ khoảng 2 năm so với sự phục hồi của GDP toàn cầu.
Xét trong trung hạn, với việc ngày càng nhiều nước kiểm soát được dịch bệnh và mở lại các đường bay nội địa, IATA đánh giá RPKs toàn cầu sẽ phục hồi và tăng trưởng chậm sau dịch Covid – 19. Kịch bản Covid–19 bùng phát trở lại cũng không làm thay đổi xu hướng tăng trong trung hạn của RPKs toàn cầu. IATA dự báo, tùy theo diễn biến của dịch Covid – 19, RPKs toàn cầu năm 2021 sẽ thấp hơn từ 32% - 41% so với dự báo trước khi có dịch. Nếu dịch Covid – 19 không bùng phát trở lại, RPKs toàn cầu năm 2025 sẽ đạt mức dưới 10% so với dự báo trước khi có dịch.
Cũng theo IATA, sự phục hồi của RPKs toàn cầu ban đầu sẽ phải dựa vào sự phục hồi của thị trường hàng không nội địa với các đường bay ngắn. Với việc giảm giãn cách xã hội ở nhiều nước, IATA dự báo RPKs nội địa sẽ chỉ giảm khoảng 40% so với năm 2019 trong khi RPKs quốc tế sẽ giảm sâu hơn, quanh mức 60%. Với mức giảm này và những khó khăn trong phục hồi các đường bay quốc tế, IATA đánh giá phải đến năm 2023 – 2024, RPKs quốc tế mới phục hồi bằng mức RPKs quốc tế năm 2019.
Niềm tin của khách hàng đối với an toàn hàng không có vai trò quan trọng trong sự phục hồi của RPKs nói chung. Tuy nhiên, ngay cả khi chính quyền các nước giảm bớt các biện pháp hạn chế đi lại và mở cửa biên giới, niềm tin của khách hàng có thể sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục. Trong cuộc khảo sát của IATA được thực hiện ở 11 quốc gia (Úc, Canada, Chile, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, UAE, Vương quốc Anh, Mỹ) vào tháng 4/2020, chỉ có 14 % người được hỏi cho biết họ sẽ đi du lịch ngay sau khi chính quyền thông báo đã ngăn chặn được dịch bệnh. Phần lớn người được hỏi tỏ ra lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai, muốn chờ đợi từ một đến hai tháng (47%) và 6 tháng trở lên (28%). So với khảo sát được thực hiện vào tháng 2/2020, tỷ lệ % người được hỏi chọn các mốc thời gian từ “chờ đợi một, hai tháng” đến “không có ý định đi du lịch trong tương lai gần” đều tăng. Trong khi đó, số người lựa chọn đi du lịch ngay giảm 8% xuống còn 14%. Sự thay đổi này cho thấy, diễn biến phức tạp, mức độ nghiêm trọng và kéo dài của dịch bệnh sẽ khiến khách hàng hạn chế đi du lịch và ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của RPKs. Ngoài ra, việc kinh tế suy thoái cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tài chính của khách hàng, khiến họ xu hướng tiết kiệm hơn và hạn chế đi máy bay.
Sự phục hồi của RPKs quốc tế trong điều kiện chưa có vắc – xin càng khó khăn hơn. Nó đòi hỏi các quốc gia đạt được thỏa thuận về các biện pháp phòng dịch phối hợp, công nhận kết quả giám sát an ninh và y tế của nhau để thay cho biện pháp cách ly đơn phương ở điểm đến. Theo khảo sát của IATA tháng 4/2020, 86% du khách cho biết họ cảm thấy lo lắng ở nhiều mức độ khác nhau đối với việc bị cách ly ở điểm đến. Ngoài ra, 69% cho biết họ sẽ không đi du lịch trong trường hợp bị cách ly 14 ngày. Vì vậy, để hành khách có thể yên tâm khi di chuyển bằng đường hàng không quốc tế và các chính phủ yên tâm mở cửa, IATA đề xuất cách tiếp cận phân tầng tạm thời dựa trên rủi ro để thay thế cho biện pháp cách ly 14 ngày. Đề xuất này bao gồm việc ngăn chặn sự di chuyển của những người có triệu chứng qua kiểm tra thân nhiệt và các biện pháp khác. Đối với những du khách không có triệu chứng, quản lý thông qua một hệ thống khai báo y tế được thực hiện nghiêm ngặt và lập danh sách những người từng tiếp xúc với người đó . Đây là các đề xuất Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng khi có ý định mở lại các đường bay quốc tế. Kết quả khảo sát của IATA cho thấy, nối lại đường bay quốc tế nhưng duy trì cách ly 14 ngày với người nước ngoài sẽ không thể giúp du lịch quốc tế phục hồi.
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong giai đoạn đầu, đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đón 35 triệu khách quốc tế, duy trì tăng trưởng bình quân khách quốc tế 12 – 14%/năm. Trong giai đoạn tiếp theo, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đón ít nhất 50 triệu khách quốc tế, duy trì tăng trưởng bình quân khách quốc tế từ 8 – 10%. Với định hướng này, bên cạnh việc tập trung phát triển du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đang nghiên cứu lộ trình mở lại các đường bay quốc tế và các giải pháp an toàn để đón khách quốc tế. Cục Hàng Không Việt Nam cũng đang nghiên cứu việc nối lại các đường bay quốc tế. Nhiều hãng hàng không của Hàn Quốc, Nhật Bản, Phillipines… cũng đã đề nghị nối lại đường bay với Việt Nam.
Để ngành hàng không Việt Nam thuận lợi mở lại các đường bay quốc tế (và hỗ trợ du lịch phục hồi), Việt Nam nên xây dựng hành lang du lịch an toàn với từng quốc gia và với nhóm quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh. Trong cuộc gặp giữa Giám đốc Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam Ratiwan Boonprakhong với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu ngày 19/5/2020, phía Thái Lan đã đề xuất ý tưởng xây dựng hành lang du lịch an toàn giữa hai nước hoặc giữa một số địa phương của hai nước.
Ngoài ra, theo Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, Ken Atkinson, Úc và New Zealand là các quốc gia đầu tiên Việt Nam nên cân nhắc khi có ý định thiết lập các hành lang du lịch an toàn do dịch Covid–19 ở các nước này cũng đang được kiểm soát tốt. Trong khi đó, theo Tổng giám đốc khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch để có thể mở lại du lịch với Trung Quốc và Hàn Quốc ngay khi họ hết dịch. Nhìn chung, với khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, được tổ chức Deep Knowledge Group (DKG) đánh giá là một trong 20 quốc gia và vùng lãnh thổ an toàn nhất trong dịch Covid–19, Việt Nam sẽ có lợi thế lớn nếu muốn xây dựng hành lang du lịch an toàn với các nước. Việt Nam cũng nên sớm xây dựng các hành lang du lịch song phương (và đa phương) để có thể chủ động đưa ra các tiêu chuẩn phòng dịch cho sự thành lập các hành lang như vậy.
End of content
Không có tin nào tiếp theo