Thị trường

IFC nâng mức tài trợ lên 294 triệu USD cho 4 ngân hàng thương mại, để hỗ trợ DN nhỏ và vừa "vượt bão" Covid-19

DNVN - IFC tăng hạn mức tài trợ lên tới 294 triệu USD cho 4 ngân hàng thương mại là ABBank, TPBank, VIB, VPBank, nhằm mục đích giúp các ngân hàng nâng cao năng lực, đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ cho các công ty, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thoát thế khó cho doanh nghiệp dệt may / Doanh nghiệp chỉ tìm cách giữ chân người xứng đáng

Ngày 21/ 2/2020, IFC - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, đã tăng hạn mức tài trợ thương mại cho các ngân hàng đối tác tại Việt Nam, một sáng kiến ứng phó nhanh để đón đầu những khó khăn về tài trợ thương mại mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải bởi dịch Covid-19 đang diễn ra.

Dịch Covid-19 lan rộng đã gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam kể từ khi ca nhiễm virus đầu tiên được công bố vào cuối tháng 1/2020. Ngoài sự sụt giảm trong ngành du lịch và các dịch vụ liên quan, dịch bệnh này còn ảnh hưởng đến giao thương qua biên giới, tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chế tạo, kinh doanh nông nghiệp và nhiều ngành khác.

Để giúp các doanh nghiệp chủ động ứng phó với tình hình, IFC đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bằng việc gia tăng hạn mức tài trợ thương mại cho bốn ngân hàng đang là khách hàng của IFC, bao gồm Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Tổng hạn mức mới lên tới 294 triệu USD sẽ cho phép các ngân hàng nâng cao năng lực đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các công ty trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trước hoạt động xuất nhập khẩu trong tỉnh Thanh Hóa cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Nguồn ảnh: Internet

“VIB hoan nghênh sáng kiến kịp thời và có ý nghĩa này nhằm giúp chủ động đối phó với những khó khăn về thanh khoản cũng như xu hướng giảm thiểu rủi ro thường thấy trong giai đoạn đầy thử thách này”, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc và thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết.

Theo ông Vũ, việc bảo đảm của IFC sẽ giúp các ngân hàng trong nước tăng tài trợ thương mại một cách đáng kể cho nhiều công ty xuất nhập khẩu, trong đó có những công ty gặp khó khăn về tín dụng và phải dựa vào các khoản tài trợ của ngân hàng để bảo đảm dòng tiền và mua nguyên liệu đầu vào.

Sáng kiến này hưởng ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng thương mại khi các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19đặc biệt những doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng và thương mại.

“Với kinh nghiệm toàn cầu của IFC trong ứng phó một số cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ, quyết định tăng hạn mức tài trợ thương mại là nỗ lực nhằm bảo đảm duy trì thương mại trong giai đoạn đầy thách thức này.

Hạn mức tài trợ thương mại tăng lên sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tài trợ thương mại, nhờ đó giảm nhẹ tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam và khu vực tư nhân”, ông Mehmet Mumcuoglu,Giám đốc Khối Định chế Tài chính IFC khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết.

Theo ông Kyle Kelhofer,Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào: “Hành động của IFC, một phương thức hiệu quả để giúp đảm bảo khả năng ứng phó, thể hiện sự tin tưởng của chúng tôi đối với các ngân hàng đối tác trong nước cũng như các cam kết của IFC về cải thiện nền kinh tế Việt Nam”

Nối tiếp công cụ tài trợ thương mại linh hoạt và có thể triển khai nhanh chóng này, IFC sẽ cân nhắc các can thiệp mở rộng khác để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19 và giúp duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.


IFC - tổ chức đồng cấp với Ngân hàng Thế giới và là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi.

IFC hỗ trợ hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, để tạo ra thị trường và cơ hội phát triển ở những nơi cần nhất.

Trong năm tài chính 2019, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt trên 19 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm