Thị trường

Kết nối DN phân phối lớn với nông dân để tiêu thụ nông sản

DNVN - Thời gian qua, các hệ thống phân phối lớn đã đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm, hỗ trợ các nhà vườn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Corona hiện nay, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng cần phải làm quyết liệt hơn vì sản lượng nông sản hiện nay cần hỗ trợ tiêu thụ rất lớn.

Lo ngại dịch Corona, người dân TP.HCM tăng mua thực phẩm / Kịch bản tăng trưởng GDP mới trong bối cảnh dịch Corona

Thông tin này đã được đưa ra tại cuộc họp của Bộ Công Thương chiều 11/02/2020 nhằm kết nối các doanh nghiệp phân khối lớn với các địa phương có vùng sản xuất tập trung như Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang, Bình Thuận, Sơn La, Thanh Hóa... để đẩy mạnh các mặt hàng nông sản đã, đang và sẽ thu hoạch trong thời gian tới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, ngay khi dịch bệnh xảy ra, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tất cả vì mục tiêu lớn nhất, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, vừa duy trì sản xuất, tăng trưởng, hướng tới hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2020. Các đơn vị đã tích cực phối hợp, chung tay vào cuộc để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp. (Ảnh: MOIT)
Theo đại diện Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp, để hạn chế lây lan dịch bệnh, một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản đã tạm thời đóng cửa ngừng thông quan nên một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long và trong thời gian tới là xoài, vải ... đang và sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ. Thứ trưởng khẳng định, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang cố gắng hết sức làm việc với phía Trung Quốc để cuối tháng 02 họ thực hiện việc thông quan.
Đề xuất tìm đầu ra mới cho nông sản
Đề nghị chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, nhiều sản phẩm nông sản của Đồng Tháp chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh như: xoài, khoai lang, ớt, nhãn... Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đề nghị các Bộ, ngành có chính sách hỗ trợ hợp tác xã, người sản xuất chi phí vận chuyển tiêu thụ hàng hóa, lãi suất ngân hàng, thu mua tạm trữ, sơ chế, sử dụng kho đông lạnh bảo quản hàng hóa kéo dài trong thời gian thu hoạch...
Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang phát biểu, trước diễn biến bất thường của dịch bệnh, đầu ra của quả vải sẽ bị ảnh hưởng trong khi mùa vụ vải bắt đầu từ 20/5, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm từ 45-60%. Đại diện Bắc Giang mong muốn, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm đầu ra mới cho sản phẩm, trong đó tập trung hướng đến thị trường Nhật Bản.

Nhiều đơn vị kiến nghị hỗ trợ kết nối giữa tỉnh với đơn vị tiêu thụ nông sản.
Đại diện đến từ Đồng Nai - bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết, ngoài công tác hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản mà tỉnh đang triển khai thực hiện, Sở Công Thương Đồng Nai kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối tỉnh với các đơn vị tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh như chuối cấy mô, xoài, mít, chôm chôm, sầu riêng.
Về phía các kênh phân phối đầu mối, đại diện các doanh nghiệp phân phối khẳng định sẽ tích cực kết nối thị trường, đưa nông sản vào hệ thống. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối cung ứng dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce cho biết, hiện nay, hệ thống siêu thị của Công ty đang hỗ trợ phân phối 2 sản phẩm là thanh long đỏ và thanh long trắng.
"Chúng tôi chấp nhận bán hàng không lợi nhuận, chấp nhận lỗ khi chịu chi phí vận chuyển, nên cần cam kết sản lượng cần tiêu thụ là bao nhiêu và giá cụ thể như thế nào”, đại diện VinCommerce cam kết.
Đại diện Tập đoàn AEON Việt Nam, Siêu thị SaigonCo.op Hà Nội và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đều cho biết đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu và thanh long, ưu tiên trưng bày hàng hoá tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Quyết liệt hỗ trợ nhà vườn
Để chủ động hỗ trợ tiêu thụ và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm nông sản, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương và doanh nghiệp có sự trao đổi thông tin cụ thể về nguồn cung, nhu cầu và kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó, phối hợp hỗ trợ nhau trong việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó khăn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng, các hệ thống phân phối lớn đã đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm, hỗ trợ các nhà vườn. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay, theo Thứ trưởng cần phải làm quyết liệt hơn vì sản lượng nông sản hiện nay cần hỗ trợ tiêu thụ rất lớn. Có những mặt hàng cần phải tiêu thụ ngay thời điểm này nhưng cũng có những mặt hàng một vài tháng nữa mới đến thời gian thu hoạch. Do vậy, ông Đỗ Thắng Hải đề nghị các Sở Công Thương và hệ thống phân phối cần chủ động bàn bạc kế hoạch và hiện thực hóa kế hoạch đó để tích cực hỗ trợ người nông dân.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, kết nối tiêu thụ nông sản, trước khi thúc đẩy xuất khẩu, cần tập trung vào thị trường trong nước với sức mua của 100 triệu dân. Còn việc mở cửa thị trường mới thì phải làm tốt hơn. Muốn xuất khẩu thành công, địa phương cần tính toán để tái cơ cấu sản xuất và chuẩn bị kịch bản mang tính chiến lược, bài bản hơn.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm