Thị trường

Khách hàng muốn “sở hữu kỳ nghỉ” của Resort ALMA cần lưu ý những gì trước khi đặt bút ký hợp đồng?

DNVN - Ngay từ khi khởi công vào năm 2013 đến nay, khu nghỉ dưỡng ALMA Resort ở Bãi Dài, Nha Trang liên tục dính phốt, hết bị xử phạt, lại đến bị người mua kiện tụng do những điều khoản không rõ ràng về quyền lợi của người mua trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, cũng như bị tố có sự khuất tất khi tư vấn cho khách hàng trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn thu hút vốn đầu tư dài hạn bởi khả năng sinh lợi tốt / ALMA Resort bị tố lừa đảo cụ ông 86 tuổi để bán hợp đồng nghỉ dưỡng trị giá 20.000 USD

Resort ALMA: Tại sao một dự án đầy tai tiếng, pháp luật không thể sờ gáy?

Mới đây, chị Đặng Thu Nga (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tố cao ALMA đã có hành vi lôi kéo bố chồng chị là cụ ông Bùi Minh Tâm là thương binh 86 tuổi, sức khoẻ đã suy giảm và không còn đủ minh mẫn đến tham dự sự kiện do ALMA tổ chức tại Hà Nội. Theo tố cáo của chị Nga, các nhân viên đã ALMA đã "khéo léo" tư vấn để ông Tâm hiểu sai về quyền lợi hợp đồng ký kết, sau đó đưa ông Tâm đi thẳng đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm nộp cho ALMA ngay trong ngày.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ALMA bị khách hàng tố cáo, mà nhiều vụ việc đã được đưa ra tòa trong thời gian từ năm 2013 trở lại đây. Vậy ALMA là của ai, tại sao hình thức kinh doanh của ALMA lại bị nhiều khách hàng phản ứng dữ dội như vậy. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tổng hợp các thông tin từ báo chí để độc giả nắm rõ.

Theo báo Khánh Hòa, tháng 2/2013, Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường (tên cũ là ALMA) được tỉnh Khánh Hòa cấp phép đầu tư dự án Long Beach Resort Project tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Đây là dự án được đầu tư theo hình thức Timeshare (Hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ). Hình thức này đã xuất hiện ở Châu Âu và Mỹ từ những năm 60, 70 thế kỷ trước nhưng vẫn còn rất mới ở Việt Nam vào thời điểm năm 2013. Sau khi giới thiệu dự án vào cuối năm 2013, từ năm 2014, công ty TNHH Vịnh Thiên Đường bắt đầu huy động vốn từ khách hàng thông qua ký kết Hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ và cam kết sẽ hoàn thành dự án trong quý I/2018. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án diễn ra rất chậm. Tháng 7/2017, do chậm tiến độ và chưa hoàn thành việc cấp phép xây dựng, chủ đầu tư đã bị Sở kế hoạch và Đầu tư Khánh hòa phạt 30 triệu đồng.

Sau án phạt 30 triệu đồng, tiến độ của dự án vẫn không khả quan hơn. Ngay từ cuối năm 2017, các báo: Người lao động, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ… đã có loạt bài viết phản ảnh ý kiến của nhiều nhà đầu tư đã ký Hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ với công ty TNHH Vịnh Thiên Đường. Những người này cho rằng công ty TNHH Vịnh Thiên Đường có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm cam kết, có vấn đề trong quá trình tư vấn khách hàng, khiến khách hàng hiểu nhầm, cài cắm nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng… nên muốn đòi lại số tiền đã đóng và chấm dứt hợp đồng.

Trong bài báo “Dự án Alma chậm tiến độ” ngày 15/4/2018 trên Báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Ngọc Loan – Giám đốc ban quản lý Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh, cho biết “từ tháng 10/2017 đến nay, dự án Alma hầu như không triển khai thi công”. Bài báo cũng dẫn ý kiến của Ban Quản lý Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh cho rằng “hiện nay dự án chưa thi công được 20% khối lượng”. Tính đến cuối năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã thụ lý 37 vụ kiện nhằm vào ALMA yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Ngày 29/12/2019, sau gần 2 năm chậm tiến độ so với những cam kết đầu tiên và rất nhiều đơn từ khiếu kiện, khu resort ALMA tại Bãi Dài, Nha Trang mới chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, không vì thế mà dự án này bớt tai tiếng do những khuất tất trong quá trình tư vấn khách hàng, dẫn tới việc nhiều khách hàng ký kết hợp đồng nhưng cho rằng mình không được tư vấn đầy đủ, không hiểu rõ về sản phẩm. Mới đây nhất, gia đình của cụ Bùi Minh Tâm, 86 tuổi, đã tố cáo công ty TNHH Vịnh Thiên Đường dụ dỗ cụ, một thương binh có sức khỏe suy giảm và không còn đủ minh mẫn, ký kết hợp đồng nghỉ dưỡng trị giá 20.000 USD, mà Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh.

Hiện tượng người cao tuổi tham dự các buổi tư vấn mua hợp đồng giá trị lớn một mình khi không còn đủ sự minh mẫn cũng là vấn đề đáng chú ý. Trên Group TIMESHARE VIETNAM - SỞ HỮU KỲ NGHỈ trên mạng xã hội Facebook, chị Nguyễn Phương Chi cũng đã chia sẻ về việc bà của chị, 80 tuổi, “đã đầu tư ALMA mua 6 căn” và cho biết nhân viên ALMA cũng theo bà về tận nhà để lấy tiền và đưa bà đi đến ngân hàng để thế chấp đất đai. Câu hỏi được đặt ra là liệu ALMA có đang hướng tới bán dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ cho người cao tuổi hay không? Nếu có, đây sẽ là vấn đề đáng quan ngại cho xã hội, nguy cơ dẫn tới khiếu kiện nhằm vào ALMA trong thời gian tới có thể sẽ tăng cao.


Khách hàng muốn “sở hữu kỳ nghỉ” của ALMA cần lưu ý những gì?

Theo phân tích của các luật sư trong bài báo trên VTCNews ngày 1/12/2018, trước hết, khách hàng quan tâm tới loại sản phẩm nghỉ dưỡng của công ty TNHH Vịnh Thiên Đường cần hiểu rõ: Sản phẩm dịch vụ mà họ mua chỉ là quyền sử dụng bất động sản theo thời gian được thỏa thuận trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Như vậy, nếu quyền sử dụng bất động sản A được chia theo đơn vị tuần/năm thì chủ đầu tư có thể bán quyền sử dụng bất động sản A cho 52 khách hàng khác nhau, tương đương 52 tuần trong một năm. Khách hàng chắc chắn không có quyền sở hữu đối với tài sản bất động sản A.

Việc “thoát ra” khỏi hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ kéo dài 35 năm khi chi phí tăng cao cũng không phải dễ dàng. Bài viết “Khách hàng nên cẩn trọng khi ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của ALMA” trên VTCNews ngày 1/12/2018, cho biết điều 19 Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ quy định việc “chuyển nhượng, chuyển giao các quyền và nghĩa vụ của mình theo hoặc phát sinh từ hợp đồng đồng này (dù toàn bộ hay một phần) cho bất kỳ bên thứ ba nào” phải có sự đồng ý bằng văn bản của công ty. Vì vậy, nếu khách hàng tự ý chuyển nhượng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, họ sẽ gặp bất lợi nếu phát sinh tranh chấp công ty Vịnh Thiên Đường.

Tính đến đầu năm 2020, công ty Vịnh Thiên Đường đã thắng kiện trong nhiều vụ kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và hoàn trả tiền đặt cọc do Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang thụ lý. Tuy nhiên, việc vẫn có thêm người khởi kiện công ty Vịnh Thiên Đường sau khi đã ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và hoàn trả tiền đặt cọc là một vấn đề cần lưu tâm.

Hiện nay, một số khách hàng mua sản phẩm dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ của công ty Vịnh Thiên Đường đã chuyển hướng khởi kiện nhằm vào các nhân viên kinh doanh của công ty này. Theo báo Tuổi trẻ online ngày 15/3/2020, Tòa án nhân dân Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh đang thụ lý đơn khởi kiện của bà Võ Thị Thúy Lâm đối với hai nhân viên kinh doanh của công ty Vịnh Thiên Đường là Đặng Ngọc Thanh và Nguyễn Minh Chấn.

Nhìn chung, với những người đang quan tâm tới Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của công ty Vịnh Thiên Đường, để tránh rơi vào tình trạng giống với những khách hàng đang khởi kiện công ty này, cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan, nên có Luật sư đi cùng hoặc phải đọc thật kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký hợp đồng, đặt cọc.

Dưới đây là một số thông tin khách hàng nên nắm rõ trước khi nghe tư vấn từ nhân viên công ty TNHH Vịnh Thiên Đường (tên cũ là ALMA):

Đầu tiên, khách hàng sẽ không thể sử dụng Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để thế chấp vay ngân hàng, ngay cả tại ngân hàng Maritime Bank – ngân hàng hợp tác với công ty TNHH Vịnh Thiên Đường trong chương trình cho vay để sở hữu quyền nghỉ dưỡng tại dự án ALMA. Điều này đã được đại diện của ALMA xác nhận trong bài phỏng vấn “Kỳ nghỉ 5 sao ALMA: Khách hàng có được minh bạch?” của Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường ngày 4/8/2017.

Khách hàng sẽ phải trả thêm các khoản phí hàng năm. Ngoài ra, phí dịch vụ, ăn uống trong kỳ nghỉ được điều chỉnh sự tăng giảm của thị trường. Những điều khoản liên quan đến vấn đề này có thể sẽ không được nhân viên kinh doanh của công ty TNHH Vịnh Thiên Đường tư vấn kỹ cho khách nếu khách không hỏi. Trong bài viết “Mua 'sở hữu kỳ nghỉ' nhận "sở hữu bực mình” trên báo Tuổi trẻ online ngày 5/7/2017, một khách hàng của ALMA cho rằng mình không được tư vấn kỹ, về nhà mới phát hiện ra số tiền lớn bỏ ra chỉ là tiền phòng nghỉ trong nước. Tiền vé máy bay đi lại, ăn uống chi phí đều phải tự túc. Mỗi năm còn phải đóng phí duy trì hợp đồng. Bà này cho biết, nếu được tư vấn kỹ, bà sẽ “không mua kỳ nghỉ này”.

Khách hàng cần tự mình đọc kỹ hợp đồng thay vì chỉ nghe nhân viên kinh doanh tư vấn. Bài báo “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có bảo đảm tính pháp lý?” trên báo Quân đội nhân dân online ngày 11/7/2017 đã nêu ý kiến của các luật sư, chỉ ra một số điều khoản bất lợi đối với người mua trong Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ (và người mua cho rằng họ chỉ phát ra hiện sau khi đã ký hợp đồng) như: Điều khoản giải quyết tranh chấp là “Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore giải quyết tranh chấp giữa các bên và được thực hiện bằng tiếng Anh”; Điều 9: “Theo hợp đồng này, khách nghỉ dưỡng đồng ý rằng, khách nghỉ dưỡng sẽ không thực hiện bất cứ khiếu nại hoặc khiếu kiện nào chống lại công ty…”; Điểm b, Khoản 10.2, Điều 10: “Trong mọi trường hợp, công ty sẽ không có nghĩa vụ hoàn trả cho khách nghỉ dưỡng một phần hoặc toàn bộ tiền đặt cọc hoặc khoản thanh toán mà khách nghỉ dưỡng đã thanh toán”. Nhìn chung, nếu không có luật sư đi cùng, các khách hàng đang quan tâm tới dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ của công ty TNHH Vịnh Thiên Đường cần bình tĩnh đọc thật kỹ hợp đồng (và cả phụ lục) trước khi ký.

Khách hàng cần chuẩn bị tâm lý đối mặt với sự thúc giục của nhân viên kinh doanh và sự hấp dẫn từ những ưu đãi, quà tặng, viễn cảnh tươi đẹp… được đưa ra nhằm hối thúc khách hàng tiềm năng ký hợp đồng và giao tiền đặt cọc ngay. Trong bài viết “Ngậm "quả đắng" vì dự án nghỉ dưỡng của tỷ phú quốc tế” ngày 10/1/2017, báo Quân đội nhân dân online đã đăng câu chuyện của ông Lương Đức Long, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội như sau: “Vì quá tin tưởng, chúng tôi đồng ý, đóng 600.000 đồng tiền đặt cọc nhưng ngay sau đó, cô Linh (nhân viên tư vấn của ALMA) yêu cầu phải có đủ số tiền hơn 103 triệu đồng thì mới kích hoạt. Tôi nói ở nhà chỉ có 40 triệu đồng tiền mặt, cô Linh nói sẽ cho nhân viên về cùng tận nhà tôi ngay sau đó. Và 2 nhân viên là Phan Ngọc Bảo và Nguyễn Văn Huy đã đi cùng taxi về nhà tôi. Vợ chồng tôi nộp đủ 40 triệu đồng, nhận 1 phiếu thu. Anh Bảo hẹn 8h30 sáng hôm sau (28/9) đến nhà tôi, đề nghị 2 vợ chồng chúng tôi cùng ký vào hợp đồng và nộp đủ số tiền còn lại. Do thời gian anh Bảo đến nhà tôi quá gấp và chuyển hợp đồng in sẵn nên chúng tôi chưa kịp xem xét kỹ các điều khoản. Tôi phải rút tiền tiết kiệm và nộp số tiền còn lại (63,8 triệu đồng) vào tài khoản Công ty ALMA.”.

Câu chuyện trên báo Quân đội nhân dân online có tình tiết rất giống với câu chuyện được báo Doanh nghiệp Việt Nam phản ảnh gần đây. Theo lời kể của gia đình cụ Bùi Minh Tâm, thương binh 86 tuổi, ngay sau khi ký hợp đồng mua sở hữu kỳ nghỉ, nhân viên kinh doanh của ALMA đã đưa cụ tới ngân hàng để rút tiền và nhận tiền ngay trên xe taxi.

Hàn Phi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo