Thị trường

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn thu hút vốn đầu tư dài hạn bởi khả năng sinh lợi tốt

DNVN - Dự báo thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng năm 2020, VNREA cho rằng, dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục thu hút các nhà phát triển bất động sản bởi tiềm năng phát triển kinh tế du lịch và khả năng sinh lợi tốt.

Bất động sản 2020: Cơ hội đầu tư khi thị trường ‘sợ hãi’ / Thị trường bất động sản ngày càng ảm đạm

Trong báo cáo mới đây gửi Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định đối với thị bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, qua điều tra, thu thập dữ liệu tại 10 tỉnh/thành phố có hoạt động đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng. Sau khi tiến hành nghiên cứu, thống kê, tổng hợp, số lượng dự án tại các khu vực này có 216 dự án với tổng các loại sản phẩm phục vụ lưu trú nghỉ dưỡng vào khoảng 139,281 sản phẩm.

Trong năm 2019, tổng cung chào bán khoảng 18.425 sản phẩm; lượng giao dịch là 6.697 và tỷ lệ hấp thụ đạt 36,3%.

Theo VNREA, nhìn nhận chung trong năm 2019, sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng thực chất đã sụt giảm từ năm 2018 vì một số nguyên nhân như năm 2018. Đó là, pháp lý cho dòng sản phẩm này chưa rõ ràng; giá bán bị đẩy cao, khả năng thanh khoản thấp nên kém hấp dẫn các nhà đầu tư; nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bị tạm dừng để thanh, kiểm tra; dòng tiền tín dụng bị siết chặt; người nước ngoài chưa được tham gia mua dòng sản phẩm này như nhà ở.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có khả năng thu hút đầu tư do tiềm năng của thị trường du lịch rất lớn.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có khả năng thu hút đầu tư do tiềm năng của thị trường du lịch rất lớn.

Tuy nhiên, trong năm 2019, các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn với tổ hợp dịch vụ khép kín, tiêu chuẩn quốc tế và được thực hiện bởi các chủ đầu tư uy tín, thương hiệu vẫn thu hút được nhiều các nhà đầu tư tham gia, tỉ lệ hấp thụ trong các dự án đó tương đối tốt.

Tổng hợp lượng giao dịch theo các quý năm 2019 không có biến động mạnh. Cuối năm bị chững lại do hiện tượng Coco Bay tạo tâm lý các nhà đầu tư e ngại.

Giao dịch quý IV/2019 ở mức thấp nhất trong năm. Những địa phương có số lượng giao dịch tốt trong năm được ghi nhận như: Quy Nhơn, Đà Nẵng, Bình Thuận, Ninh Thuận,…

VNREA cho hay, thị trường nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi do tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như sự tăng trưởng về số lượng đường bay thẳng quốc tế. Bởi vậy, những vùng đất sáng giá về du lịch vẫn tạo hấp lực mạnh với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

Dự báo thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng năm 2020, VNREA cho rằng, dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục thu hút các nhà phát triển bất động sản bởi tiềm năng phát triển kinh tế du lịch và khả năng sinh lợi tốt. Giao dịch có thể không tăng so với năm 2019. Giao dịch có thể sẽ tập trung ở những dự án có khả năng khai thác kinh doanh du lịch tốt và được thực hiện bởi các chủ đầu tư, đơn vị khai thác vận hành uy tín, có nhiều kinh nghiệm. Một số vùng có thể có lượng giao dịch tốt gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Bình Thuận, Ninh Thuận. Pháp lý dành cho loại hình sản phẩm có thể sẽ được quy định cụ thể trong năm 2020, tạo tâm lý tốt cho các nhà đầu tư.

Với những con số điển hình từ hai thị trường trên, VNREA nhấn mạnh, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020 nhìn chung tiếp tục có sự giảm tốc, nhưng thực chất hơn, không xuất hiện khủng hoảng thị trường ảo hay bong bóng. Nghịch lý duy nhất của thị trường bất động sản 2020 là dù nhu cầu mua vẫn ở mức cao mà không thể đẩy mạnh đầu tư phát triển do những khó khăn, vướng mắc về các quy định của pháp luật, về vốn. Điều này được dự báo khó có thể thay đổi, điều chỉnh ngay trong năm 2020.

Trong bảng tổng hợp một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) gửi Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ có nhắc đến vấn đề siết tín dụng vào bất động sản. VNREA nêu rõ, theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, từ đầu năm 2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%, từ tháng 10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

VNREA cho rằng, quy định mới sẽ giúp thanh lọc những chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, chỉ dựa vào vốn ngân hàng, gây nhiều rủi ro. Tuy nhiên, việc siết vốn làm giảm nguồn cung dự án bất động sản cũng như giảm sức mua của các nhà đầu tư. Theo đó, VNREA kiến nghị nới tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn và nới lộ trình giảm tỷ lệ tối đa.

Giới phân tích cũng nhận định, Thông tư số 22 được ban hành đúng thời điểm thị trường bất động sản đang trầm lắng bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Việc ban hành thông tư này một phần làm hạn chế cho vay lĩnh vực bất động sản của doanh nghiệp bất động sản và cả khách hàng cá nhân vay mua bất động sản cao cấp. Vì hiện nay, nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản chủ yếu dựa vào ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm