Tin tức - Sự kiện

ALMA Resort bị tố lừa đảo cụ ông 86 tuổi để bán hợp đồng nghỉ dưỡng trị giá 20.000 USD

DNVN - Sau khi mời cụ ông Bùi Minh Tâm là thương binh 86 tuổi, sức khoẻ đã suy giảm và không còn đủ minh mẫn đến tham dự sự kiện do ALMA tổ chức tại Hà Nội, các nhân viên đã ALMA đã "khéo léo" tư vấn để ông Tâm hiểu sai về quyền lợi hợp đồng ký kết, sau đó đưa ông Tâm đi thẳng đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm nộp cho ALMA ngay trong ngày.

Cựu binh thành cổ Quảng Trị phát giác Lê Xuân Tánh lừa đảo có tổ chức, quy mô lớn (?) / Covid-19: Cảnh giác với thủ đoạn đánh cắp tiền bằng cách lừa đảo mua hàng online, rồi thanh toán qua Western Union


Trong những năm gần đây đã có hàng trăm vụ khiếu nại, khởi kiện của khách hàng tới chủ đầu tư các khu nghỉ dưỡng theo hình thức "sở hữu kỳ nghỉ". Có những khách hàng tố cáo bỏ ra hàng trăm triệu để sở hữu một sản phẩm gọi là hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp nhưng sau khi ký hợp đồng thì lại vỡ mộng.


Nhiều khách hàng đến trước văn phòng của ALMA TP Hồ Chí Minh đòi lại tiền đã mua hợp đồng.

Chèo kéo cụ ông 86 tuổi ngay tại sự kiện

Qua đường dây nóng của Doanh Nghiệp Việt Nam tiếp nhận phản ánh của chị Đặng Thu Nga (quận Ba Đình, Hà Nội). Chị Nga cho biết trong một lần ALMA tổ chức sự kiện mời khách hàng tham dự nhằm quảng bá dịch vụ tại Hà Nội vào ngày 18/3/2020. Bố chồng chị là ông Bùi Minh Tâm (86 tuổi) được mời tham gia sự kiện. Các nhân viên tư vấn của ALMA đã "khéo léo" tư vấn để ông hiểu sai vấn đề từ "được hưởng mỗi năm 1 kỳ nghỉ 7 ngày" thành "được hưởng 1 căn nghỉ dưỡng ở tại ALMA Resort" để có thể kinh doanh sinh lời.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” số PBRC-H-036928 được ông Bùi Minh Tâm ký tại sự kiện ngày 18/3/2020 có giá trị 20.000 USD ( khoảng 467 triệu VND ). Sau khi trừ các “khuyến mãi” được hưởng ông Tâm phải thanh toán tổng số tiền 357.561.000 VND, trong đó phải thanh toán 30% giá trị hợp đồng là 107.268.300 VND ngay trong ngày ký hợp đồng. Còn số tiền 70% giá trị hợp đồng còn lại là 250.292.700 VND sẽ thanh toán dần trong 7 tháng tiếp theo.

Bản hợp đồng ông Bùi Minh Tâm đã ký.

Chị Nga bức xúc chia sẻ: “Sau khi ngon ngọt dụ dỗ được ông cụ, 3 nhân viên của ALMA đã trực tiếp đưa đón ông cụ bằng ô tô đến thẳng ngân hàng để rút tiền (sau đó 3 nhân viên này trực tiếp nhận tiền của ông cụ ngay trên xe ô tô). Khi ông đưa gần 108 triệu đồng cho nhân viên Alma xong thì tôi phát hiện và ngăn lại, chứ nếu không ông còn phải nộp tiếp mấy trăm triệu nữa.”

Chị Nga cũng phân tích thêm: “ Tôi nghi ngờ đây là một sự lừa dối tinh vi, ALMA cho 1 năm nghỉ 7 ngày tại khu Resort của ALMA, dành cho 2 người lớn và trẻ nhỏ đi kèm. Nhưng liệu ông cụ 86 tuổi còn đi được mấy năm nữa. Đồng ý là nếu ông không đi được thì có thể chuyển nhượng cho con cái đi. Nhưng khi bỏ ra 400 triệu đồng để đi 7 ngày trong năm, sử dụng trong 30 năm và cùng 1 chỗ thì có chán không. Chưa kể 400 triệu đồng nếu gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi, mỗi năm nghỉ 1 lần vẫn thoải mái, dư tiền đi du lịch. ALMA bán kỳ nghỉ cho dù có hợp pháp đi chăng nữa nhưng không có đạo đức kinh doanh. Hợp đồng là thoả thuận giữa 2 bên nhưng khi có khúc mắc vẫn có thể thoả thuận lại.”

Biên bản làm việc giữa luật sư đại diện cho gia đình chị Nga và ALMA Hà Nội.

Được biết, sau khi phát hiện sự việc, gia đình chị Nga đã nhiều lần chủ động liên lạc bên ALMA Resort để xin huỷ hợp đồng và đòi lại tiền cọc bố chồng chị đã đóng nhưng đại diện bên ALMA Resort trả lời sẽ không trả lại số tiền đó và cố tình trốn tránh trách nhiệm trong các buổi làm việc. Chính vì vậy gia đình chị Nga cùng đại diện pháp lý cho gia đình là Luật gia Bùi Quang Thắng và cũng chính là chồng chị Nga đã quyết định sẽ khởi kiện lên toà án nếu ALMA vẫn tiếp tục né tránh không giải quyết.

Xác nhận với phóng viên Doanh Nghiệp Việt Nam, chị Nga cho biết bố chồng chị là ông Bùi Minh Tâm, 86 tuổi, là thương binh, sức khoẻ đã suy giảm và không còn đủ minh mẫn. Ngoài ra ông Tâm còn có thương tật ở vùng đầu là do mảnh đạn còn găm lại (Có đầy đủ phiếu khám bệnh, giấy tờ chứng minh).

“Các bạn là những nạn nhân của ALMA Resort nếu chọn cách đi kiện thì xác định mất nhiều thời gian và phải vào tận Khánh Hoà để kiện. Tuy nhiên nhà mình đã quyết làm đến cùng vụ này cho dù vụ này có thể khó khăn và mất thời gian cả năm” chị Nga nhấn mạnh.

Cảnh giác với biến tướng của dịch vụ "sở hữu kỳ nghỉ"

Được biết, khu nghỉ dưỡng ALMA Resort Cam Ranh do Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường đầu tư xây dựng. Tọa lạc tại Bãi Dài, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà, khu nghỉ dưỡng ALMA gồm 400 căn hộ và 200 Villa hướng biển, đầy đủ tiện nghi chính thức đi vào hoạt động từ 29/12/2019. Mỗi căn đều được trang bị tiện nghi hiện đại dành cho các gia đình 5-9 người.

Khối công trình ALMA Resort Cam Ranh được đầu tư dưới hình thức “sở hữu kỳ nghỉ” (Timeshare). Khách hàng khi ký hợp đồng sẽ sở hữu dịch vụ chứ không phải sở hữu bất động sản, việc sở hữu này chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định (30 đến 50 năm) và quyền lợi của khách hàng chỉ dừng lại trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.


Toàn cảnh khu nghỉ dưỡng ALMA Resort Cam Ranh nhìn từ trên cao.

Điều khiến cho dư luận băn khoăn là mặc dù ALMA đã cho nhân viên bán kỳ nghỉ từ năm 2013 nhưng đến năm 2017, tức khoảng 4 năm sau, công ty này mới được cấp giấy phép xây dựng cho tòa nhà chính trong khối các tòa nhà, biệt thự tại khu nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa. Và cũng phải gần 7 năm sau, tức là đến cuối năm 2019 mới chính thức khai trương dịch vụ.

Với số tiền để sở hữu kỳ nghỉ lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng những người sở hữu kỳ nghỉ ở ALMA sẽ chỉ được cung cấp phòng nghỉ. Chi phí đi lại, ăn uống,.. khách hàng đều phải tự túc. Nếu muốn trao đổi kỳ nghỉ tại nước ngoài, khách hàng phải đóng thêm phí và tự lo vé máy bay.

Ngoài ra, mỗi năm khách phải đóng phí duy trì trong đó năm đầu tiên từ 7,5 – 9,6 triệu đồng. Trong năm tiếp theo, công ty sẽ lập bảng chi phí hoạt động và gửi hóa đơn cho khách. Điều này đồng nghĩa khả năng khách sẽ phải trả bất kỳ khoản chi phí nào công ty đề ra. Cũng theo hợp đồng mẫu của ALMA, nếu pháp luật Việt Nam yêu cầu công ty phải đóng thêm khoản phí nào, công ty sẽ đóng và khách hàng phải hoàn trả.

Theo các chuyên gia, bản chất sở hữu kỳ nghỉ là "sở hữu dịch vụ" chứ không phải là "sở hữu bất động sản". Trên thế giới rất nhiều người phải tháo chạy, chấp nhận chuyển nhượng kỳ nghỉ với giá rẻ vì không chịu nổi các loại phí mà có thể gắn với họ cho đến khi chết, nhưng để chuyển nhượng được cũng không hề dễ dàng.

Trên thế giới, hình thức “sở hữu kỳ nghỉ” đã có lịch sử ra đời hơn 50 năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam hình thức này còn khá mới nhưng đã xuất hiện nhiều "biến tướng" khó lường gây nhiều rủi ro cho khách hàng. Hiện tại, mô hình này còn tồn tại nhiều bất cập trong vấn đề pháp lý do chưa có một văn bản cụ thể nào quy định về hợp đồng mua bán kỳ nghỉ.

Doanh Nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến mới nhất của vụ việc.

Trung Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo