Khánh Hoà: 80% tôm hùm giống phải nhập khẩu
Mỹ: Câu được tôm hùm “ma" siêu hiếm, 100 triệu con mới có một / Mỹ đẩy mạnh bán tôm hùm sang Việt Nam
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hoà, tôm hùm là đối tượng nuôi trọng điểm của người dân các địa phương ven biển tỉnh Khánh Hoà. Hiện toàn tỉnh này có 23 tiểu vùng được phân theo địa giới hành chính của 4 vùng nuôi chính là: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh.
Lồng, bè nuôi tôm hùm của người dân tỉnh Khánh Hoà (Ảnh: TL)
Năm 2019, nông dân toàn tỉnh thả nuôi hơn 60.300 lồng tôm hùm, tăng khoảng 5,3% so với năm 2018, nên nhu cầu về giống cũng tăng theo. Tuy nhiên, nguồn tôm hùm giống trong tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu, 80% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài và khai thác ở các tỉnh lân cận.
Nguồn tôm hùm giống được khai thác tại các vùng biển tỉnh Khánh Hoà, như: Thôn Mỹ Giang (Ninh Phước - Ninh Hòa), đầm Nha Phu (Ninh Hòa), Đầm Môn (Vạn Thạnh - Vạn Ninh), vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh…
Tôm hùm giống nhập khẩu chủ yếu từ các nước Indonesia, Philippines, có ưu thế là được kiểm tra và xét nghiệm âm tính với chỉ tiêu bệnh đốm trắng và bệnh sữa.
Do nguồn cung ít, nhu cầu thả giống nhiều nên giá tôm hùm giống thời điểm này tăng cao, hiện nay ở mức 53.000 đồng/con tôm trắng, cao hơn 10.000 đồng/con so với cùng thời điểm này năm trước, cao nhất từ trước đến nay.
Theo các chuyên gia thuỷ sản, bệnh gây thiệt hại nặng nhất đối với tôm hùm hiện nay là bệnh sữa và bệnh đỏ thân. Để nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao, người dân cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh cho tôm là hết sức quan trọng.
Muốn hạn chế các loại bệnh nguy hại đến tôm hùm này, nông dân cần áp dụng biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp từ lúc chọn giống đến cả quá trình nuôi, phải tiêu diệt, kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm, đồng thời quản lý tốt nguồn chất thải từ thức ăn, rác sinh hoạt hàng ngày.
End of content
Không có tin nào tiếp theo