Khánh Hòa: Nuôi thứ gà mặt quỷ, đen toàn tập, bán 1 con lời 1 triệu
Đắk Lắk: Bí quyết nuôi bò vỗ béo / Người nuôi thủy sản giỏi nhất Bà Rịa - Vũng Tàu
Gà mặt quỷ dễ nuôi
Gà mặt quỷ là giống gà hiếm trên thế giới, có xuất xứ từ Indonesia, giá rất cao, được giới săn cây cảnh, thú hiếm đưa về nuôi và cho sinh sản thành công tại Việt Nam trong những năm qua.
Nói về lý do chọn gà mặt quỷ để nuôi, ông An cho hay, đây là giống gà mới, còn hiếm, lại có nhiều ưu điểm như: cách nuôi đơn giản, thức ăn sẵn có, dễ kiếm, sức đề kháng cao, giá bán cao hơn nhiều giống gà khác. Đây là cơ hội cho nông dân giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, nâng cao thu nhập...
Nuôi gà mặt quỷ ở gia đình ông Lê Công An, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Hiện nay, việc nuôi gà bằng thức ăn công nghiệp tốn kém nhưng giá bán chưa tương xứng, chất lượng thịt giảm; yếu và thiếu nhiều vấn đề kỹ thuật như: đầu tư chuồng úm, nuôi dày, thức ăn chưa đáp ứng với từng giai đoạn tuổi, thiếu giải pháp vệ sinh, phòng bệnh, tiêu độc, khử trùng...
Từ thực tế trên, ông An đề xuất cách nuôi gà mặt quỷ như sau: Giai đoạn úm, làm lồng úm cao chân, tránh cho gà bị nhiễm cầu trùng; dùng đèn bóng tròn 75W để sưởi ấm gà; thức ăn là cám xay nhỏ; gà mới nở cho uống vắc xin, uống nước sạch pha với thuốc úm liên tục trong thời gian úm...
Giai đoạn 30 - 50 ngày tuổi, cho gà sống trên nền trệt nhưng cao ráo, lót trấu, dăm bào, xử lý thuốc sát trùng, rải vôi; dùng máng ăn, máng uống treo cao (5 - 10cm); thức ăn chính là bắp, cám, rau...Giai đoạn 50 - 120 ngày tuổi, gà đã cứng cáp, đưa về chăm sóc bình thường, không cần đệm lót; thức ăn chính là tấm, cám, bắp xay..., bổ sung thêm vitamin, các loại rau, củ, quả, côn trùng... Sau 120 ngày, đàn gà đạt trọng lượng 1,9 - 2,3kg (gà trống), 1,8 - 2kg (gà mái).
Nuôi gà mặt quỷ-Hiệu quả kinh tế cao
Theo ông An, nuôi gà mặt quỷ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, có thể nhân rộng do vật liệu làm chuồng đơn giản, có thể tận dụng ở nông thôn như: gỗ vườn, gạch, ngói, lưới sắt, cước...; nuôi gà không choán nhiều diện tích, sử dụng vườn cây ăn quả làm chuồng trại; thức ăn dễ tìm từ nguyên liệu là phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, rau củ quả thải bỏ ở các chợ quê...; tỷ lệ hao hụt thấp, dễ tiêu thụ, giá bán cao...
Hiện nay, nuôi 100 con gà mặt quỷ, tỷ lệ hao hụt chỉ 3%, sau 4 tháng, trừ hết chi phí (công lao động, gà giống 200.000 đồng/con, khấu hao ô chuồng, sưởi ấm, vật liệu chuồng trại, vệ sinh tiêu độc...) cho thu nhập hơn 107 triệu đồng, bình quân 1 con cho thu nhập hơn 1 triệu đồng.
Giá bán gà mặt quỷ hiện nay bình quân 1,4 triệu đồng/kg. Mỗi năm, ông An thả 3 lứa gà mặt quỷ, lãi hơn 321 triệu đồng. Theo ông, với thu nhập như trên, nuôi gà mặt quỷ có hiệu quả kinh tế vượt trội so với các giống gà thông thường hiện nay.
Giải pháp ông An đưa ra trong việc nuôi gà mặt quỷ có thể ứng dụng cho nhiều vùng, miền khác nhau, từ nông thôn đến miền núi, thích hợp cho cả chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chi phí tiết giảm nhiều hơn, lợi nhuận cao hơn. Đối với nông dân có thể nuôi chuyên canh hoặc quảng canh để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Ông Trần Ngọc Phú - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng: Ông An là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông cũng tích cực tham gia và đóng góp kinh phí xây dựng quỹ hội, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật và hướng dẫn nông dân học tập để nhân rộng mô hình…
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo