Khó khăn vẫn bủa vây cá tra sang Trung Quốc
Xuất khẩu dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục / Doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội lớn từ Hiệp định RCEP
Từ ngày 10/11/2020 cho đến nay phía cơ quan thẩm quyền tại cửa khẩu Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu, trong đó có sản phẩm cá tra đông lạnh Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mắc kẹt ở “cửa ải”
Cụ thể là các lô hàng thủy sản đông lạnh bao gồm cá tra philê nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ phải lấy mẫu kiểm tra Covid-19 trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng.
XK cá tra còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc |
Cho đến thời điểm hiện nay, thời gian để kiểm soát từ khi lấy mẫu đến khi trả kết quả để thông quan vẫn chưa có hướng dẫn và thông tin rõ ràng, cụ thể khiến nhiều lô hàng cá tra Việt xuất sang Trung Quốc đang bị ách tắc tại cảng.
Trước tình hình nêu trên, ngày 30/11, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) có đề nghị các doanh nghiệp (DN) cá tra cần phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt thông tin kịp thời xuất hàng đến các cảng không bị kẹt, đồng thời thương lượng để điều chỉnh lịch xuất hàng hợp lý.
Ngoài ra, Vasep khuyến cáo các DN chế biến, xuất khẩu (XK) cá tra, thời gian này, cần bình tĩnh, tránh nôn nóng chào giá thấp sang Trung Quốc và hạ giá cá tra nguyên liệu.
Bởi vì điều này không những không giúp giải tỏa ách tắc hàng ở cảng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động XK sang thị trường Trung Quốc.
Trước đó, Vasep đã báo cáo Bộ NN&PTNT về việc các nhà nhập khẩu thủy sản tại Trung Quốc đã và đang đề nghị với các DN cá tra Việt Nam tạm ngưng XK nhằm giảm thiệt hại cho cả hai phía, đặc biệt đang vào dịp cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản cao nhất.
Có thể thấy, việc mắc kẹt ở “cửa ải” thông quan rất bất lợi cho ngành hàng cá tra vốn loé lên chút hy vọng phục hồi ở thị trường Trung Quốc trong tháng cuối năm nay sau những tháng sụt giảm mạnh vì dịch Covid-19.
Thống kê cho thấy trong 11 tháng năm 2020, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 385,9 triệu USD, dù chiếm tới 34,4% tổng giá trị XK cá tra nhưng đã sụt giảm đến hơn 20% so cùng kỳ năm ngoái.
Những thông tin còn thấy trữ lượng tồn kho sản phẩm cá thịt trắng, cá rô phi của DN thủy sản Trung Quốc vẫn còn nhiều do hoạt động XK cũng bị ảnh hưởng. Do đó, chính phủ của họ có thể sẽ đưa ra một số chính sách nhằm giảm nhập khẩu thủy sản trong thời gian tới.
Và cá tra Việt vốn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc đã bị ảnh hưởng phần nào trong việc này không chỉ vào thời điểm cuối năm nay mà còn có thể đến năm 2021 nếu như việc phòng tránh lây nhiễm Covid-19 là một cái cớ để gia tăng kiểm soát mặt hàng cá tra nhập khẩu.
Thêm áp lực cạnh tranh
Theo Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), khi Covid-19 còn kéo dài, nếu không có dự tính rõ ràng, cái khó còn bủa vây người nuôi cá tra và các DN chế biến cá những năm sau.
“Tất cả những điều phải làm là tìm thông tin từ bây giờ. Dự báo tồn kho của các DN và khả năng tiêu thụ cuối năm nay ra sao? Dự báo Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh sẽ tăng trưởng sản lượng cá tra nuôi ra sao? Dự báo thương chiến Trung - Mỹ kéo dài bao lâu”, ông Lực đặt vấn đề.
Dù khó khăn bủa vây, nhưng hiện nay đã có hơn 130 DN cá tra Việt Nam tích cực XK cá tra sang Trung Quốc nhằm phục hồi thị trường. Trong đó, phải kể đến 3 DNcó giá trị XK lớn nhất sang thị trường này là CTCP Thủy sản Trường Giang (ở Đồng Tháp); CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Đồng Tháp) và CTCP Gò Đàng (Tiền Giang).
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên doanh thu và lợi nhuận từ XK cá tra của các DN nêu trên đã sụt giảm mạnh trong thời gian qua.
Như lý giải của ông Ong Hàng Văn, Phó tổng Giám đốc CTCP Thủy sản Trường Giang, việc tiêu thụ cá tra ở Trung Quốc chủ yếu qua kênh nhà hàng, khách sạn. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp dẫn đến nhà hàng, khách sạn đóng cửa thì việc tiêu thụ cá tra Việt cũng bị ảnh hưởng theo.
Giới phân tích cho biết dịch Covid-19 sẽ là rủi ro lớn nhất đối với sự hồi phục cá tra XK ở thị trường Trung Quốc nếu như kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn,…) chưa hồi phục về mức trước dịch trong năm 2021 do tâm lý người dân nước này vẫn e sợ việc đến nhà hàng.
Mặt khác, người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, thế nhưng cá tra Việt chưa phát triển mạnh kênh bán lẻ trực tuyến nên khả năng cạnh tranh đầu ra cũng gặp nhiều hạn chế.
Ông Ong Hàng Văn cũng từng chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh là cá tra Việt ngày càng đối mặt áp lực cạnh tranh hơn ở thị trường Trung Quốc khi mà nhiều quốc gia XK cá tra khác ở châu Á cũng “thèm muốn” thị trường này và đang tìm mọi cách nâng chất lượng cá tra để cạnh tranh với Việt Nam.
Đó là điều mà nhiều DN XK quan ngại khi thị trường nhập khẩu cá tra Trung Quốc đang dần trở nên cạnh tranh hơn, đặt nặng vấn đề chất lượng hơn, cũng như các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm cũng dần khắt khe hơn như Mỹ hay EU.
End of content
Không có tin nào tiếp theo