Thị trường

Khuyến nghị doanh nghiệp không mua gom ồ ạt lúa gạo gây bất ổn thị trường

DNVN - Trong bối cảnh thị trường lúa gạo có diễn biến tăng giá, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Xuất khẩu thủy sản 2023 sẽ kém xa năm ngoái / Khai mạc hội chợ quốc tế EWEC Đà Nẵng 2023

Giá lúa gạo tăng mạnh

Tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở thị trường nội địa, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 27/7, giá thóc nội địa tăng khoảng từ 368 – 441 đồng/kg so với tháng trước, giá gạo các loại tăng từ 850 - 940 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2022, giá thóc tăng khoảng từ 1.300 – gần 1.9000 đồng/kg, giá gạo các loại tăng từ 2.400 – gần 3.400 đồng/kg.


Giá lúa gạo xuất khẩu và ở thị trường nội địa đều tăng mạnh.

Theo Bộ Công Thương, giá thóc, gạo trong nước ở mức cao đặc biệt trong quý II do nhu cầu tăng mạnh tại nhiều thị trường và nguồn cung gạo toàn cầu khu vực giảm do ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của biến đổi khí hậu tại một số quốc gia sản xuất.

Khác với giá xuất khẩu, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày. Theo đó, trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7 - thời điểm lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có hiệu lực.

Không để mất cân đối cung - cầu cục bộ

Trong bối cảnh này, ngày 3/8, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo.

Bộ Công Thương cho hay, tình hình thị trường lúa gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá. Do đó, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung lúa gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng lúa gạo, bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết. Thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Tại hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 tại Cần Thơ ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương. Tuy nhiên, gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời bảo đảm giữ vững an ninh lương thực quốc gia.

Ông Diên cũng cho biết phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân, theo dõi chặt diễn biến thị trường, thận trọng trong giao dịch xuất khẩu gạo để bảo đảm an toàn, tránh bị lừa đảo.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm