Thị trường

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo phải giữ được thương hiệu và an ninh lương thực quốc gia

DNVN - Việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương. Tuy nhiên, phải giữ được thương hiệu gạo, giữ vững an ninh lương thực quốc gia.

Xuất khẩu thủy sản 2023 sẽ kém xa năm ngoái / Khai mạc hội chợ quốc tế EWEC Đà Nẵng 2023

Thương mại gạo toàn cầu diễn biến phức tạp

Tại hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm tại Cần Thơ ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực trong những tháng đầu năm.

Theo đó, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khu vực Đông Nam Á tăng trưởng vượt bậc. Các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững. Ngoài ra khu vực thị trường EU cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao với mức tăng gần 30%.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm. Chưa chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng. Việc thực hiện liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà sản xuất - Nhà Bank trong sản xuất nông nghiệp chưa tốt. Vì vậy, vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Đặc biệt, từ giữa tháng 7/2023, thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp. Trong đó, đáng chú ý là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, UAE và Nga. Hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực. Tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp, trong đó có việc Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen… Điều này dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023.

"Việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương. Tuy nhiên, gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời bảo đảm giữ vững an ninh lương thực quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu nội địa

Đánh giá về nguồn cung toàn cầu, ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu do tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bị đổ vỡ, biến đổi khí hậu thay đổi điều kiện gieo trồng… sẽ làm suy giảm nguồn cung và giá lương thực tăng cao.

Do đó, hầu hết các quốc gia đều đang xem xét kỹ các tác động từ bối cảnh thị trường toàn cầu để nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước và bình ổn giá cả lương thực nội địa.


Ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Đơn cử, tại Thái Lan, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, lệnh cấm của Ấn Độ cần được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ do có thể ảnh hưởng đến giá gạo nội địa, đồng thời có thể khiến các nhà máy xay xát gạo và các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan trì hoãn các đơn đặt hàng gạo để đánh giá tác động.

Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan có những định hướng điều hành xuất khẩu gạo từ nay đến hết năm 2023.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo kế hoạch được Bộ NN&PTNT xây dựng từ đầu năm 2023, năm nay diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm nay đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn.

Đến thời điểm này, thông qua kiểm tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi. Nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ... trên diện rộng, có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi.

Về những lo ngại trước ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đối với sản xuất lúa gạo, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam có nhiều giải pháp về bố trí thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác cũng như các giải pháp về công trình để hạn chế mức độ ảnh hưởng của El Nino ở mức thấp nhất so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Về tiến độ, tính đến ngày 1/8, cả nước đã thu hoạch 24,2 triệu tấn thóc, gồm vụ Đông Xuân khoảng 20 triệu tấn, vụ Hè Thu khoảng 4,2 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 18-19 triệu tấn thóc chờ thu hoạch.

"Có thể có rủi ro nhưng về cơ bản, với tình hình hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu", ông Cường đánh giá.

Thương nhân khó tiếp cận vốn

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương phản ánh, phần lớn các thương nhân đều đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn linh động. Trong khi giá lúa gạo trong những năm gần đây đầy biến động, thậm chí nguồn cung trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối. Do đó, hạn mức tín dụng thấp làm cho tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng đáng kể.

Tại những thời điểm thu hoạch chính vụ, công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng theo thời điểm cho các thương nhân xuất khẩu gạo.


Đại diện lãnh đạo các địa phương phản ánh, phần lớn các thương nhân đều đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn linh động.

Chưa kể, giá cả thị trường nội địa trong thời gian qua biến động thất thường, có thời điểm tăng đột biến nên ảnh hưởng đến giá cạnh tranh xuất khẩu, một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp không thu mua đủ nguyên liệu dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.

Do vậy, các địa phương đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ vốn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có xây dựng vùng nguyên liệu, có đầu tư kho chứa, nâng cấp, cải thiện dây chuyển máy móc sản xuất. Tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác và nông dân tiếp cận máy móc thiết bị, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, tăng khả năng và thời gian bảo quản, giảm áp lực cung cầu, chủ động giá bán cạnh tranh.

Đặc biệt, các địa phương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, mở rộng, tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của ngành lúa, gạo với thời hạn và lãi suất hợp lý. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm