Thị trường

Kiên Giang: Tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp phát triển

DNVN - Mặc dù ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm 2019 như mặn xâm nhập, sạt lở bờ sông… nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong thời gian tới, các cấp chính quyền Kiên Giang sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ dân và các doanh nghiệp ngành nông nghiệp phát triển.

FED: Chính sách thuế quan khiến việc làm giảm, giá cả tăng cao / Ngày cuối cùng của năm 2019: Giá xăng bật tăng hay giảm?

Kiên Giang là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có diện tích tự nhiên lớn nhất và dân số đứng thứ hai trong vùng. Với vị trí là cửa ngõ phía Tây, thông ra vịnh Thái Lan, nằm trên Hành lang kinh tế phía nam thuộc tiểu vùng Mê Công mở rộng, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.000 km2, gấp 10 lần diện tích đất liền.

Bên cạnh đó, Kiên Giang còn tiếp giáp biên giới trên bộ và trên biển với một số quốc gia trong khu vực ASEAN, có một cửa khẩu quốc tế và một cửa khẩu quốc gia, đã giúp cho Kiên Giang có vị trí “địa chính trị” đặc biệt quan trọng, nhất là về đối ngoại và quốc phòng - an ninh.

Đồng thời Kiên Giang còn có vị trí “địa kinh tế” nhất định trong phát triển kinh tế biển, kinh tế biên mậu, cũng như kết nối giao thông đường biển, đường bộ nội vùng với các nước trong khu vực Đông - Nam Á.

Kinh tế biển luôn chiếm vai trò quan trọng trong sự phát triển của tỉnh Kiên Giang.

Kinh tế biển luôn chiếm vai trò quan trọng trong sự phát triển của tỉnh Kiên Giang.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh và các yếu tố đặc trưng riêng có, thời gian qua, kinh tế, xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, trong đó ngành nông nghiệp tỉnh có nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Cụ thể, ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá, năm 2019, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng, bệnh dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp, sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nghiêm trọng, hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi suy giảm… Tuy nhiên, ngành đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả, hoàn thành tiến độ kế hoạch và tăng so với cùng kỳ.

Trong đó, công tác phòng, chống hạn, mặn, mưa bão phát huyhiệu quả, tăng xã đạt chuẩn nông thôn mới, sản lượng tôm nuôi tăng mạnh, tổng sản lượng lúa thu hoạch dẫn đầu cả nước, tăng tỷ lệ che phủ rừng… Tổng sản phẩm GRPD của ngành năm 2019 ước đạt 22.143 tỷ đồng, tăng 3,10% so với năm 2018.

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 845 ngàn tấn, trong đó nuôi trồng được hơn 245 ngàn tấn, riêng tôm nuôi nước lợ thu hoạch ước đạt trên 82 ngàn tấn, tăng 11,55% so cùng kỳ. Năm 2019, dịch bệnh trên đối tượng thủy sản nuôi trồng có xảy ra nhưng được kiểm soát tốt.

 

“Nổi bật là diện tích gieo trồng lúa đạt hơn 722 ngàn ha, sản lượng thu hoạch gần 4,3 triệu tấn. Trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 72% diện tích gieo trồng. Liên kết sản suất lúa theo cánh đồng lớn, gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được 56 cánh đồng, tổng diện tích hơn 33.250 ha”, ông Đỗ Minh Nhựt chia sẻ.

Ngoài ra, trong năm 2019, tỉnh đã công nhận thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng toàn tỉnh có 64/117 xã được công nhận và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn huyện nông thôn mới và đang chuẩn bị hồ sơ thủ tục thẩm tra kết quả huyện nông thôn mới Vĩnh Thuận, bình quân toàn tỉnh đạt 16,9 tiêu chí/ xã.

 Cơ giới hóa trong các khâu canh tác lúa giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn.

Cơ giới hóa trong các khâu canh tác lúa giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn.

Về thực hiện tái cơ cấu, trong 3 năm qua đã có 290 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 2.500 tỷ đồng.

 

Đặc biệt đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình như lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản (Cty Trung Sơn), liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo (Cty Trung An), liên kết sản xuất và tiêu thụ rau sạch (Cty Ecofarm).

Ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương đã có chương trình kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh.

Qua đó, đã góp phần chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng được với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao hơn. Tập trung phát triển được các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm làm ra an toàn hơn với giá thành sản xuất thấp hơn.

“Nhiều mặt hàng đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, có được chỗ đứng trên thị trường. Thành quả bước đầu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã giúp chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập, tạo ra nguồn lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thông mới”, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay.

 

Trong năm 2020, chính quyền tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng hóa lớn theo yêu cầu thị trường. Tạo mọi điều kiện, môi trường đầu tư tốt nhất để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển.


Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm