Thị trường

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 30,7% trong 5 tháng đầu năm 2021

DNVN - Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tốc độ tăng CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 1,59%; tăng 4,47%; tăng 3,01%; tăng 2,74%; tăng 4,39%; tăng 1,29%.

Du lịch toàn cầu đã sẵn sàng để trở lại / Việt Nam được dự báo tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo

Tổng cục Thống kê vừa cập nhật Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, cho thấy bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam khi sắp đi qua nửa năm 2021 với nhiều biến động do dịch bệnh gây ra.

Trong những chỉ số, đáng chú ý là trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 26 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2021, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó, 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước đạt 70,7 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 47,32 tỷ USD, tăng 33%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 9,69 tỷ USD, tăng 13,5%. Nhóm hàng thủy sản đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2020.

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2020.

Về đầu tư, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung thực hiện trong bối cảnh dịch COVID -19 đang bùng phát lần thứ 4 tại nhiều tỉnh/thành phố nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2021 ước tính đạt 34,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 22,8% và tăng 16,2%), gồm: Vốn Trung ương quản lý đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% kế hoạch năm và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch năm và tăng 13%.

Về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước (với 613 dự án được cấp phép mới, 342 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm, 1.422 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, 430 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, 992 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước). Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về chỉ số tiêu dùng, CPI tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020.

Nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI bật tăng là do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng "phi mã" ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng. Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có 8 nhóm có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 0,76% (làm CPI chung tăng 0,07 %) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 27/4/2021 và ngày 12/5/2021 khiến chỉ số giá xăng tăng 2,12%, dầu diezen tăng 2,8%.

Tiếp đó là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% (làm CPI chung tăng 0,08 %) do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào. Nhóm điện, nước sinh hoạt cũng lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá dầu hỏa tăng 5,07%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cùng tăng 0,09% chủ yếu do thời tiết nắng nóng khi vào hè làm nhu cầu giải khát và tiêu dùng các mặt hàng như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04% (làm CPI chung tăng 0,01 %), trong đó, nhóm lương thực giảm 0,09%; thực phẩm giảm 0,05%; riêng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,31% chủ yếu do trong tháng có kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5.

Nhóm giáo dục tăng 0,03%, trong đó giá văn phòng phẩm tăng 0,25%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp lan rộng tại nhiều địa phương, người dân tăng mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch làm giá các loại thuốc tăng 0,03%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%.

Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng có chỉ số giảm, là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,23% chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm 0,7% và giá mặt hàng cây, hoa cảnh giảm 2,05% do thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa; tiếp đó là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,15% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tốc độ tăng CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 1,59%; tăng 4,47%; tăng 3,01%; tăng 2,74%; tăng 4,39%; tăng 1,29%.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng 4/2021 và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm 2020. Tính bình quân 5 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%). Mức lạm phát cơ bản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Dịch covid-19 tái bùng phát trở lại từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân, trước tình hình đó Đảng và Nhà nước có những chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, đặc biệt các hỗ trợ người dân các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Kết quả của các chính sách an sinh xã hội và giải pháp hỗ trợ các hộ cận nghèo của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả, tháng 5/2021 là tháng thứ 11 liên tiếp không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm