Doanh nghiệp - Doanh nhân

Dịch vụ logistics Đà Nẵng: Chậm chân trong cuộc cạnh tranh?

DNVN - Bị cạnh tranh gay gắt bởi cả trong và ngoài nước nhưng hiện Đà Nẵng vẫn đang chậm ban hành các chính sách đột phát nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics

Đà Nẵng: Nhiều hoạt động đặc sắc trong tuần lễ Giải Golf Phát triển châu Á 2022 / Tháng 6/2022, Đà Nẵng sẽ diễn ra loạt sự kiện nổi bật về đầu tư, du lịch, thương mại

Lợi thế từ Hành lang kinh tế Đông - Tây

Theo số liệu công bố tại hội thảo khoa học “Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong hoạt động kinh doanh khu vực và toàn cầu” vừa được Đại học Đông Á, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) và Công ty CP Cảng Đà Nẵng và phối hợp tổ chức (Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin), tính đến tháng 4/2022, Đà Nẵng có 1.056 doanh nghiệp tham gia cung ứng các hoạt động liên quan đến dịch vụ logistics.

Dịch vụ logistics Đà Nẵng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt cả trong lẫn ngoài nước!

Dịch vụ logistics Đà Nẵng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt cả trong lẫn ngoài nước.

Theo VALOMA, nhìn chung số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics của Đà Nẵng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. TP Đà Nẵng cũng đứng thứ 6 trong nhóm 10 tỉnh/thành tập trung nhiều doanh nghiệp logistics của cả nước (chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai).

Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết thêm, với lợi thế là cửa ngõ ra Thái Bình Dương của Hành lang Kinh tế Đông – Tây dài 1.450km từ Mawlamyine (Myanmar) qua vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào tới Đà Nẵng (Việt Nam), Đà Nẵng đã lấy dịch vụ vận tải biển và vận tải kết nối cảng biển làm trụ cột phát triển hệ thống logistics.

Hiện dịch vụ logistics trên địa bàn TP Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào hoạt động vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng biển (trong đó đường bộ chiếm vai trò chủ đạo với thị phần khoảng 70%; đường biển 24%; đường thủy nội địa 4,5% và đường sắt 1,5%). Đặc biệt đã có 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp hoạt động tại Đà Nẵng, đây là tiền đề cho hoạt động logistics đa phương thức phát triển trong giai đoạn tới.

Bị cạnh tranh gay gắt cả trong lẫn ngoài nước

Tuy nhiên, theo Công ty CP Cảng Đà Nẵng, hiện chi phí đường bộ cao gấp 3 lần trước đây. Chi phí không chính thức cả phía Việt Nam và Lào nhiều, làm cho chi vận tải tăng cao so với đi đường qua Thái Lan – nơi có thủ tục thông thoáng. Cùng với đó là nguồn hàng không ổn định, thường là xe chạy rỗng chiều về Việt Nam.

Thạc sĩ Lê Thị Kim Phương- Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nhấn mạnh, chi phí vận tải trong logistics chiếm tới 60% - 70% dẫn đến chi phí logistics trên địa bàn TP còn cao. Tỷ lệ xe chạy rỗng lớn, chưa kết hợp hiệu quả vận tải đa phương thức tại các cảng biển và vận tải hàng quá cảnh… nên kém cạnh tranh hơn so với các cảng biển của Thái Lan.

Cụ thể, bà Lê Thị Kim Phương đưa ra con số so sánh, vùng Đông Bắc Thái Lan cách Đà Nẵng 1.500km nhưng thời gian đưa hàng hóa từ đây qua cảng Đà Nẵng tới cảng Hồng Kông mất 7 – 8 ngày, chi phí lên đến 400USD/container. Trong khi đó, nếu thông qua các cảng biển Thái Lan thì dù khoảng cách lên đến 3.500km nhưng thời gian hàng hóa từ vùng Đông Bắc nước này tới cảng Hồng Kông tương đương với qua cảng Đà Nẵng và chi phí chỉ khoảng 250USD/container.

Không chỉ vậy, Đà Nẵng còn đang chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ hệ thống cảng biển của các địa phương lân cận (Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…) trong việc đảm nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của địa phương cũng như khu vực Tây Nguyên và Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Tại Thừa Thiên Huế, ngày 20/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là phát triển các trung tâm logistics trở thành trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông, phân phối và xuất nhập khẩu hàng hóa. Tỉnh này cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động vận tải container tại cảng Chân Mây (như Thanh Hóa, Hà Tĩnh đã thực hiện và có một số kết quả).

UBND tỉnh Quảng Nam có Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó đưa cảng biển Chu Lai cơ bản đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh và đảm nhận một phần hàng quá cảnh trên Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Sớm có chính sách hỗ trợ

Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho biết, TP Đà Nẵng đang xây dựng các chính sách đột phát nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh các địa phương lân cận đều xác định đây là trọng tâm phát triển.

Do vậy, trên cơ sở dự thảo Đề án “Phát triển dịch vụ logistics TP Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, hiện Sở Công Thương Đà Nẵng đang lấy ý kiến các sở, ban, ngành hữu quan để hoàn thiện và tham mưu UBND TP Đà Nẵng kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển logistics.

Theo đó, dự kiến sẽ đề xuất UBND TP Đà Nẵng xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ chi phí đối với hoạt động vận tải hàng hóa trên hành lang kinh tế Đông – Tây bảo đảm chi phí kết nối tới cảng biển Đà Nẵng tương đương với các cảng biển khác trong khu vực (cảng Chân Mây, cảng Chu Lai…).

Đồng thời nghiên cứu phương án hình thành Khu thương mại tự do (FTZ – Free trade zone) tại Đà Nẵng nhằm cung cấp các ưu đãi mạnh mẽ cho các công ty đầu tư như miễn /giảm các loại thuế: thuế doanh nghiệp, thuế VAT và thuế vận tải; đơn giản hóa thủ tục xin cấp và gia hạn thời hạn cho thị thực lao động và giấy phép lao động…

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm