Hỗ trợ doanh nghiệp

Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics, "gỡ khó" cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

DNVN - Hệ thống logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn thiếu liên kết, hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ được xác định là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Qua đó, Diễn đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL được kỳ vọng sẽ "gỡ khó" cho ngành hàng nông sản của vùng trong thời gian tới.

Ra mắt cẩm nang hỏi đáp đầu tư – kinh doanh với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long / Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ “bình thường mới”: Bài 1- Những khó khăn ngày trở lại

Tại diễn đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Hệ thống logistics tại ĐBSCL còn thiếu liên kết, hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ là những điểm nghẽn cản trở phát triển.

ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu.

“Một trong những điểm yếu nhất hiện nay của hệ thống hạ tầng giao thông là kết nối giữa các loại hình vận tải còn kém, dẫn đến khai thác chưa hiệu quả. Cảng Cái Mép - Thị Vải có thể tiếp nhận tàu tải trọng lớn nhưng hiện mới chỉ khai thác được 50% công suất do giao thông kém. Quốc lộ 51 thường xuyên ùn tắc, không có đường giao thông thuận lợi để đưa hàng hóa xuống cảng”, ông Phong phân tích.

Tuy nhiên, “điểm nghẽn” lớn nhất đối với phát triển kinh tế của vùng chính là hệ thống logistics kết nối toàn bộ chu trình sản xuất đến tiêu dùng. Chi phí logistics tại khu vực đang là gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông sản nơi đây. Nguyên nhân chính của điểm nghẽn này được các chuyên gia đánh giá là do hệ thống logistics tại ĐBSCL còn thiếu liên kết đồng bộ, trong đó hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu.

“Vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ và thủy nội địa, trong khi tình trạng một số cảng trọng điểm miền Đông thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian đợi chờ đều tăng. Việc phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL là một giải pháp cấp bách hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và sự phát triển bền vững cho nông sản ĐBSCL nói riêng”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. ĐBSCL mặc dù là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nhưng chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đang là một nút thắt cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng, cần có những giải pháp để kịp thời cởi nút thắt này.

Cũng theo ông Công, hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn. Tuy nhiên, vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Vì vậy, hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP Hồ Chí Minh để xuất đi các nơi. Việc này khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10-40% tùy từng tuyến, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Còn theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương. “Tuy nhiên theo đánh giá hiện nay, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ, hiện đại, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển TP Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung”, ông Trường nhấn mạnh.

Hệ thống logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn thiếu liên kết, hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ được xác định là những “điểm nghẽn” để phát triển.

Hệ thống logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu liên kết, hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ được xác định là những điểm nghẽn để phát triển.

Để tháo gỡ các khó khăn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho rằng: Cần phải sử dụng, đầu tư hiệu quả, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao như dịch vụ vận tải, logistics đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về dịch vụ logistics và vận tải, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics, vận tải hàng hải và gắn kết công nghệ thông tin trong logistics, đặc biệt là ở khâu thủ tục hải quan và tại biên giới.

Tại diễn đàn, ông Phong cũng cho biết thêm: Theo tinh thần Nghị quyết 13, hệ thống giao thông vận tải khu vực ĐBSCL sẽ được tập trung đầu tư xây dựng bao gồm đường bộ, đường thủy nội địa, bến cảng, sân bay, đường không, các kho bãi.

Ngoài ra, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ để hình thành cảng biển nước sâu ở ĐBSCL với đặc thù là cách xa bờ, có thể tiếp nhận được tàu tải trọng lớn, hạn chế tình trạng phải nạo vét liên tục. Trong giai đoạn 2021-2030, hạ tầng giao thông đường bộ với nhiều dự án quan trọng của Quốc gia sẽ được triển khai. Như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Cũng tại diễn đàn này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Để phát triển logistics cho vùng ĐBSCL, cần tận dụng lợi thế nguồn hàng hoá nông sản, việc tập trung tăng cường liên kết vùng. Tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách, để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có.

Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, đặc biệt là hoạt động đầu tư của các dự án, thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL, cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển những trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản, tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chất lượng nguồn nhân lực logistics, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu CMCN 4.0, hiện đại hóa trong hoạt động sản xuất, chế biến và hoạt động dịch vụ logistics.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm