Kinh doanh

Doanh nghiệp sẵn sàng tâm thế trước triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021

DNVN - Do xuất hiện dịch Covid-19 nên năm 2020 các chỉ số tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới đều ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm vừa qua kinh tế Việt Nam khả quan hơn nhiều các nước láng giềng và tiếp tục cho thấy triển vọng tích cực trong năm 2021.

Xuân về nói chuyện mang hoa Việt chinh phục thị trường toàn cầu / Tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý 4 và cả năm 2020 do Viện nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR) vừa mới công bố mới đây, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong Quý 4/2020, đạt 4,48%.

Tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm 2019. CPI bình quân năm tăng 3,23%, nằm trong mức mục tiêu. Tỷ giá trung tâm có xu hướng giảm trong suốt Quý 4/2020, kết thúc quý ở mức 23.131 VND/USD.

Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng giảm nhẹ, kết thúc ở 23.215 VND/USD. Nhìn chung, giá vàng trong nước đang theo sát những bước tiến của giá vàng thế giới. Với triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, dự báo trong quý tới giá vàng trong nước có thể vẫn ở mức cao.

 Sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đang là "cứu cánh" cho tăng trưởng kinh tế bối cảnh này.

Sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đang là "cứu cánh" cho tăng trưởng kinh tế bối cảnh này.

Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 là điểm sáng trong khu vực, tăng 2,91% - mức tăng trưởng dương hiếm hoi, đứng vào nhóm tốt nhất so với các nước trong khu vực và thế giới.

Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng bao gồm: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước, kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Nói về những khó khăn gặp phải trong năm 2020 vừa qua ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho hay, năm 2020, có thể nói Việt Nam đã vượt qua đại dịch một cách ngoạn mục. Bước sang năm mới 2021 với nền tảng kinh tế tăng trưởng tuy thấp nhưng theo ông Hiếu cho biết, Việt Nam dẫu sao vẫn là tăng trưởng dương và nằm trong top các nước có nền kinh tế tăng trưởng trên thế giới.

Năm 2021, tôi tin rằng các doanh nghiệp có sức chịu đựng và có sức bật để đưa nền kinh tế của chúng ta phát triển ở mức 6,5 – 7%/năm. Thế mạnh của các doanh nghiệp Việt đó là rất linh hoạt để đáp ứng với môi trường khó khăn; lực lượng lao động trẻ nên có nhiều khả năng phát triển rất tốt.” – Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam đang đứng trước nền kinh tế kỹ thuật số, nền tảng của công nghệ hiện đại nên rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển mình. Đây chính là điểm mạnh cho các doanh nghiệp cũng là điểm mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đính Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Chuyên gia BĐS cũng lạc quan cho rằng, năm 2021 – năm khởi đầu của nhiệm kỳ mới sau Đại hội Đảng lần thứ 13, các địa phương đều có bộ máy nhân sự mới là lực lượng rất trẻ và có sự đổi mới hoàn toàn.

“Tôi tin rằng, tại các địa phương, hệ thống chính quyền của khóa mới ngay từ đầu nhiệm kỳ sẽ tạo ra những tăng tốc để bứt phá,…” – ông Đính nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng – chuyên gia công nghệ số, thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đã kịp chuyển mình, hầu như những doanh nghiệp chủ động chuyển mình thì đều có kết quả đột phá.

Chính vì thế, theo ông Dũng trong năm tới thậm chí ngay lúc này chúng ta cần nhanh chóng tiếp cận với vấn đề chuyển đổi số. “Tôi có một lời khẩn cầu tha thiết, đó là các bạn hãy nhanh chóng chuyển dịch số doanh nghiệp của mình bởi ở thời điểm này nếu các bạn không chuyển dịch có nghĩa các bạn đã mất đi khoảng 80% thị trường”, ông Dũng chia sẻ.

Còn ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết hiện nay, nguồn cung tiền trên thị trường thế giới và trong nước cao, dẫn đến lãi suất thấp; trái phiếu Chính phủ liên tục được mua cao hơn mức thầu… Điều này sẽ là lợi thế của Việt Nam bởi còn dư địa để vay nhằm kích thích kinh tế trong những năm sau.

Một thuận lợi khác là trong Báo cáo đánh giá nợ công giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ cũng cho thấy chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ công được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm trong giai đoạn 2016- 2019. Tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,7% năm 2016 đã giảm dần về mức 55% năm 2019, ước năm 2020 đạt 56,8%. Chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP trong năm 2020 cũng giảm tương tứng từ 52,7% xuống 50,8%. Dự trữ ngoại hối cao và việc các ngân hàng dồi dào thanh khoản cũng sẽ là điểm tích cực để Chính phủ hoạch định những gói kích thích hiệu quả hơn.

Thêm nữa, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thu hút FDI. So với các nước trong khu vực, Việt Nam không những ổn định hơn về tính liên tục trong sản xuất mà còn là nước có sự ổn định chính trị. Dự báo, khi các chuyến bay thương mại quốc tế được nối lại, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng và giải ngân mạnh vào Việt Nam.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm