Doanh nghiệp - Doanh nhân

Xuân về nói chuyện mang hoa Việt chinh phục thị trường toàn cầu

DNVN - So với các ngành sản xuất nông nghiệp khác, hoa là ngành yêu cầu kỹ thuật cao, có tốc độ phát triển vượt bậc và sớm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nhân dịp Xuân mới, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm S, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng và ông Aad Gordijn, TGĐ Công ty TNHH Dalat Hasfarm về chuyện mang hoa Việt chinh phục thế giới.

Người trồng hoa Đà Lạt canh cánh nỗi lo tắc đường, kẹt xe dịp tết / Người trồng hoa Đà Lạt khấp khởi nhận tin vui

Ngành hoa Việt nhìn từ Xứ sở ngàn hoa Đà Lạt

Phóng viên: Thưa TS. Phạm S, lâu nay khi nhắc đến Đà Lạt là nhắc đến hoa. Với tư cách là một nhà khoa học, nhà quản lý gắn bó với ngành nông nghiệp, ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển của ngành hoa tỉnh nhà trong những năm qua?

TS. Phạm S: Nếu nhìn một cách tổng quát đối với một ngành hàng có lợi thế so sánh của tỉnh Lâm Đồng, trong 15 năm qua diện tích trồng hoa tăng liên tục với nhiều chủng loại hoa mới; tổ chức sản xuất với nhiều hình thức, trở thành một trong những ngành hàng có giá trị cao trên một đơn vị diện tích và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng lớn; ngành hoa đã góp phần làm giàu cho nhiều nông dân và doanh nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2004, Lâm Đồng gieo trồng 750 ha hoa cắt cành với sản lượng trên 310 triệu cành hoa các loại. Hoa xuất khẩu đạt khoảng 40 triệu cành (12,9%), xuất sang các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, EU, Australia, một số nước trong Hiệp hội ASEAN. Các công ty nước ngoài trên địa bàn xuất khẩu khoảng 25 triệu cành (Dalat Hasfarm, Bonifarm...); các doanh nghiệp, trang trại và nông hộ trong nước xuất khẩu khoảng 15 triệu cành. Năm 2004 xuất khẩu hoa thu được trên 6 triệu USD.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Đến năm 2019 quy mô diện tích lên 8.634 ha (gấp 11,5%), sản lượng 2.845 triệu cành (gấp 9,2 lần), như vậy năng suất hoa trung bình giảm hơn; toàn tỉnh có trên 56 doanh nghiệp, làng hoa, HTX sản xuất hoa, trong đó có 5 doanh nghiệp/266 ha sản xuất, kinh doanh hoa được Bộ NN&PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2019, toàn tỉnh có 2.806,1 ha canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 2.405 ha sản xuất hoa trong nhà kính; 165,8 ha nhà lưới; có 46 cơ sở nuôi cấy mô với năng lực sản xuất trên 65 triệu cây giống in vitro phục vụ sản xuất hoa thương phẩm, giá trị xuất khẩu năm 2019 khoảng 48 triệu USD (gấp 8 lần).

COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực trên phạm vi toàn cầu, ngành hoa bị ảnh hưởng như thế nào thưa ông?

TS. Phạm S: Những tháng đầu năm 2020, một trong những khó khăn chưa có tiền lệ của ngành công nghiệp hoa toàn cầu, trong đó có ngành hoa Đà Lạt, đó là đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề, giảm sâu và làm xáo trộn sản xuất kinh doanh ngành hàng chưa từng xảy ra trong lịch sử, làm cho người trồng hoa khó khăn, doanh nghiệp mất thị trường, nông dân không bán được hoa; thực tế xảy ra trình trạng hủy, bỏ hoa, thiệt hại từ 40-80%.

Đáng nói hơn, nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ thiếu liên kết bị thiệt hại 100%, các doanh nghiệp xuất khẩu bị thiệt hại hàng triệu USD… chưa từng có tiền lệ ngành trồng hoa Đà Lạt, Lâm Đồng.

Vậy theo ông đâu là giải pháp để ngành hoa vượt qua COVID-19 tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?

TS. Phạm S: Trước những thiệt hại do COVID-19, ngành hoa Lâm Đồng cần có những giải pháp cơ bản khắc phục, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước mắt, cần tổ chức lại sản xuất; điều chỉnh cơ cấu sản xuất hoa, tăng dần hoa chậu, hoa giống mới và hiếm lạ; điều chỉnh thị trường một cách linh hoạt; thay đổi chiến lược bán hàng với nhiều phương thức; tăng nhiều hình thức dịch vụ khách hàng hơn để khôi phục thị trường…

Công nhân đang chăm sóc hoa tại Farm của Dalat Hasfarm.

Công nhân đang chăm sóc hoa tại Farm của Dalat Hasfarm.

Về lâu dài, cần cơ cấu lại nhóm hoa có bản quyền, không có bản quyền và dịch vụ Logistics hoa... để từ đó tổ chức lại sản xuất quy mô phù hợp theo thị trường trong nước và xuất khẩu; tổ chức sản xuất đồng bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh theo hướng sử dụng nhà kính đồng bộ đủ chuẩn, giảm dần và tiến đến hạn chế canh tác diện tích nhà kính không đủ chuẩn…

Cần tập trung các nguồn lực, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và chọn tạo giống hoa có bản quyền trong nước và quốc tế, đi đôi chú trọng nhân giống hoa quý, hiếm nhân nhanh giống invitro quy mô công nghiệp phục vụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục thu hút đầu tư các doanh nghiệp có tiềm lực khoa học công nghệ, tài chính và thị trường để làm hạt nhân chuỗi giá trị kết nối tiêu thụ hoa cho nông dân.

Liên kết để chuyên nghiệp

Phóng viên: Trên phương diện là một doanh nghiệp và là người đã gắn bó với ngành hoa lâu năm, ông đánh giá thế nào về thực trạng của ngành hoa Việt Nam, thưa ông Aad Gordijn?

Tổng giám đốc Dalat Hasfarm: Người trồng hoa Việt Nam rất chịu khó tìm tòi và ham học hỏi. Tuy nhiên, vấn đề chính khiến nghề trồng hoa ở Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp được là vì quy mô trang trại còn quá nhỏ. Diện tích trồng hoa trung bình của hộ nông dân hiện nay chỉ khoảng 2.000-5.000m2.

Ông Aad Gordijn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm.

Ông Aad Gordijn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm.

Vì quy mô trang trại nhỏ nên người trồng hoa sẽ gặp khó khăn về tài chính và không có đủ nguồn lực để đầu tư vào công nghệ cao, nhà kính hiện đại, cũng như sẽ không có nhiều sự đổi mới, rất khó khăn để đáp ứng đủ sản lượng.

Khi xuất khẩu hoa, doanh nghiệp phải đáp ứng được sản lượng lớn để vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường thủy thì mới thực sự có ý nghĩa cạnh tranh trên thị trường. Cho nên, ngành hoa Việt Nam muốn phát triển chuyên nghiệp, cần phải xây dựng được một doanh nghiệp đủ tầm cỡ hoặc các trang trại của nông dân phải liên kết với nhau để tạo nên vùng sản xuất, hệ sinh thái trồng hoa quy mô thì mới giải quyết được bài toán hóc búa cho xuất khẩu hoa Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ cao là yếu tố sống còn

Dalat Hasfarm được biết đến là doanh nghiệp hoa tươi Việt Nam duy nhất sản xuất hoa theo quy trình khép kín, ứng dụng công nghệ cao và đáp ứng được những tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe. Ông có thể chia sẻ thêm về điều nay?

Tổng giám đốc Dalat Hasfarm: Dalat Hasfarm hiện đang là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất hoa tươi theo quy trình khép kín với 4 trang trại rộng gần 320 hecta, trong đó có hơn 180 hecta nhà kính. Quy trình sản xuất hoa tại công ty gồm: Thử nghiệm, lai tạo giống mới - Ươm ngọn và trồng cây con - Chăm sóc hoa theo định hướng bền vững - Thu hoạch - Bảo quản và phân phối. Trong đó, công tác quản lý chất lượng được áp dụng trong suốt các quy trình.

Tất cả những nhà kính hiện nay của công ty đều được điều khiển hoàn toàn tự động bằng hệ thống Hortimax được nhập khẩu từ Hà Lan. Hệ thống này được thiết lập dựa trên những cảm biến được lắp đặt sẵn để đo các chỉ số, như: Tốc độ gió, cường độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… Các chỉ số sau khi đo sẽ được tổng hợp đưa về máy tính chủ, từ đó sẽ có những tín hiệu phản hồi để điều khiển phù hợp, nhằm tạo điều kiện sinh trưởng tối ưu cho hoa. Việc trồng hoa trong nhà kính công nghệ cao tạo vùng tiểu khí hậu lý tưởng, không bị phụ thuộc thời tiết nên cho hoa năng suất cao, ổn định và chất lượng đồng đều.

Thu hoạch hoa tại Dalat Hasfarm.

Thu hoạch hoa tại Dalat Hasfarm.

Công ty cũng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, hệ thống sưởi ấm, hệ thống đèn LED và băng chuyền thu hoạch hoa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch tối đa, tiết kiệm tài nguyên cũng như nguồn nhân lực. Ngoài ra, bằng cách sử dụng hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải tiên tiến, Dalat Hasfarm đã chủ động được nguồn nước trồng hoa cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Hàng năm công ty Dalat Hasfarm luôn tìm kiếm, thử nghiệm và giới thiệu những loại hoa mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện nay công ty có hơn 350 giống hoa với rất nhiều chủng loại, màu sắc đa dạng. Đặc biệt, công ty còn mua bản quyền nhiều giống hoa từ nước ngoài để trồng và phân phối tại Việt Nam.

Phát triển bền vững là xu thế nông nghiệp toàn cầu

Sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, Dalat Hasfarm đã khẳng định được chổ đứng vững chắc trên thị trường hoa của thế giới. Vậy định hướng trong thời gian tới như thế nào thưa ông?

Tổng giám đốc Dalat Hasfarm: Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chúng tôi đã nâng cao năng suất với sản lượng bình quân hàng năm đạt hơn 200 triệu cành hoa, 6 triệu chậu hoa và 450 triệu ngọn giống, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện Dalat Hasfarm đã xuất khẩu hoa tươi tới hơn 10 quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Úc… và được đánh giá là doanh nghiệp đầu tư và phát triển ổn định nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong ngành công nghệ trồng hoa. Đặc biệt, hoa tươi Dalat Hasfarm cũng đã chinh phục được thị trường khó tính Nhật Bản với hơn 20% sản lượng hoa xuất khẩu mỗi năm.

Tại Việt Nam, sản phẩm của Dalat Hasfarm đã có mặt tại hầu hết ở tất cả tỉnh thành, hoạt động với 4 trung tâm phân phối, 16 cửa hàng bán lẻ và hơn 130 quầy hoa tại các hệ thống siêu thị. Nhờ đó, luôn đảm bảo chuỗi cung ứng, mang hoa tươi từ trang trại đến trực tiếp người tiêu dùng.

Dalat Hasfarm luôn sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn trong sản xuất hoa. Đây là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam áp dụng phương pháp thiên địch (dùng côn trùng có lợi để diệt sâu bệnh).

Dalat Hasfarm luôn sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn trong sản xuất hoa. Đây là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam áp dụng phương pháp thiên địch (dùng côn trùng có lợi để diệt sâu bệnh).

Với vị thế là doanh nghiệp đầu tàu trong ngành hoa tươi Việt Nam, Dalat Hasfarm xác định rõ, phát triển bền vững là định hướng chiến lược trong tương lai. Từ năm 2014, công ty đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các loài côn trùng và nấm có ích để ứng dụng vào trong sản xuất.

Thông qua sử dụng Bio-Pro để trồng và kiểm soát sâu bệnh, công ty đã giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trên các loại hoa khác nhau. Từ đó mang đến những sản phẩm hoa sạch, an toàn, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Nổi bật, Calimero và những loại hoa chậu như Thu Hải Đường, Hoa Hồng, Violet Châu Phi… là những sản phẩm được chăm sóc bằng Bio-Pro và hầu như không sử dụng hóa chất.

Tôi nghĩ rằng, tương lai của ngành trồng hoa và rộng ra là nền nông nghiệp toàn cầu, phải đi theo con đường phát triển bền vững. Mong rằng không chỉ riêng Dalat Hasfarm mà tất cả hộ nông dân cũng phải thay đổi tư duy để trồng hoa theo định hướng phát triển bền vững. Bởi vì, nếu chúng ta còn chần chừ thì trong tương lai không chỉ sẽ giảm năng lực cạnh tranh toàn cầu, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, sức khỏe cũng như thế hệ mai sau.

Vâng, xin cảm ơn các ông về những chia sẻ thú vị này.


Viên Hữu (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm